“Cần tiếp tục tuyên truyền rộng rãi để nâng cao nhận thức của người dân, qua đó để người dân hợp tác chặt chẽ với các TCTD mà nòng cốt là các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần có ưu thế trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Cần khuyến khích, phát triển loại hình cho vay nhằm mục tiêu ngăn chặn và xóa bỏ tín dụng đen”, đại diện Viện Ngân hàng - Tài chính khuyến nghị.
Tại Hội thảo khoa học Quốc gia “Hạn chế tín dụng đen tại Việt Nam” diễn ra ngày 20/12, đại diện Viện Ngân hàng - Tài chính cũng đưa ra thống kê: Tín dụng đen hiện chiếm 30 - 35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương 6 - 8% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong giai đoạn 2015 - 2018, toàn quốc xảy ra trên 7.600 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen.
Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho rằng: Nguyên nhân tín dụng đen vẫn “bùng phát” là do người dân không đáp ứng được điều kiện của các tổ chức vay vốn hợp pháp; người vay tiền tham gia các hoạt động tệ nạn; nhiều người sử dụng tiền nhàn rỗi để cho vay hoặc trung gian dẫn đến tình trạng vỡ nợ, hụi họ… Tại Điều 246 Luật Dân sự có quy định trần lãi suất cao nhất 20%, nhưng lãi suất tín dụng đen có khi lên đến 300 - 700%/năm.
“Tín dụng đen có rất nhiều hình thức đòi nợ với nhiều thủ đoạn vi phạm pháp luật như: Đe dọa, bắt người trái pháp luật, cố ý gây thương tích và thường gắn với những băng nhóm tội phạm. Tuy nhiên, việc xử lý các vụ việc liên quan đến tín dụng đen rất khó; từ khâu phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ. Bởi các đối tượng thường cất giấu hợp đồng ở những nơi kín đáo, dễ tiêu hủy, sử dụng mạng xã hội để chốt hợp đồng. Hơn nữa, các đối tượng còn sử dụng nhiều chiêu trò lách luật như: Thu tiền gốc trước, nếu người vay trả hết gốc thì chuyển lãi thành gốc nên khi bị phát hiện không thể kết luận các đối tượng thu lời từ lãi. Sử dụng thủ đoạn trong lập hợp đồng vay không thể hiện lãi suất, thế chấp bằng giấy tờ tùy thân. Lợi dụng công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng điện thoại để cho vay”, Đại tá Nguyễn Văn Tám nêu.
Trước những thách thức này, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức cho rằng: Cần có chương trình Quốc gia để giải quyết với những giải pháp đồng bộ, sự phối hợp của nhiều chủ thể liên quan. Điều này rất cần sự chung tay của năm “nhà” là: Các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng, người dân, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương, cùng với đó là các cơ quan an ninh, truyền thông, tổ chức hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng: Để góp phần hạn chế tín dụng đen thì các cơ quan quản lý nên hạn chế cho vay bằng tiền mặt, kết nối dịch vụ cho vay, sản phẩm cho vay với các dịch vụ công. Nếu người dân muốn vay tiền để khám chữa bệnh thì tổ chức cho vay có thể kết nối, trả thẳng cho bệnh viện, tránh để người dân sử dụng vốn vay sai mục đích, có thể gây nợ xấu. Các ngân hàng cần tăng sức cạnh tranh bằng việc phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ số cho người dân bởi tình trạng vay tín dụng đen qua ứng dụng điện thoại đang khá phổ biến.
Dưới góc độ TCTD, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đề nghị: Cần có chính sách để hỗ trợ các NHTM cho vay dưới chuẩn. Bởi hiện các đối tượng tìm đến tín dụng đen thường là một bộ phận người dân nghèo, không có tài sản đảm bảo, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, nên để hỗ trợ người dân tránh xa tín dụng đen thì nên đưa ra quy định cho vay dưới chuẩn. Các ngân hàng sẽ cân đối, đưa ra sản phẩm nằm trong ngưỡng an toàn.