Theo đó, các mã cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đồng loạt tăng lên mức giá trần. Cụ thể, PHR, SZC và ITA đều tăng 6,9% lên giá trần, KBC cũng tăng trần với mức tăng 6,6%, SNZ tăng 14,7%...
Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đang được giới đầu tư kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất.
Ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC cho rằng, nhà đầu tư đang kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quỹ đất lớn do được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch sản xuất trên thế giới sang Việt Nam. Trong dài hạn, ngành bất động sản khu công nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc tăng đầu tư công của Chính phủ.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định, việc dịch chuyển dòng vốn, hay là dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam phải mất một vài năm. Vì vậy, về mặt trung hạn và dài hạn thì xu thế này đang có lợi cho Việt Nam.
Trong xu thế dịch chuyển vốn đầu tư, bất động sản khu công nghiệp là bất động sản hưởng lợi trước tiên, bởi nhu cầu xây dựng nhà máy tăng. Hiện nay, Việt Nam cũng đã chủ động đón dòng vốn này.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với các thách thức toàn cầu do COVID-19 diễn ra cuối tuần trước (22/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, các nước đang cạnh tranh quyết liệt trong thu hút nguồn vốn FDI, vì vậy Việt Nam phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh. Thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các ngành, các địa phương phải đón bắt, đón đầu dòng đầu tư mới này; phải xây dựng ngay đề án để Thủ tướng có sự chỉ đạo chung trên tinh thần là nhanh và mạnh hơn, đặc biệt, đề án phải giải quyết các điểm nghẽn của nhà đầu tư như vấn đề mặt bằng, nguồn nhân lực.
Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để lo vấn đề này, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng lãnh đạo một số cơ quan. Địa phương nào có dự án thì bổ sung đại diện vào thành phần của tổ công tác để giải quyết nhanh các thủ tục, nhu cầu mà nhà đầu tư đặt ra. Các bộ, địa phương cần có cơ chế thuận lợi về đất đai, điện lực, giao thông.
Nhìn tổng thế, phiên hôm nay thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến rất tích cực khi đà tăng diễn ra trên nhiều nhóm ngành.
Theo đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành đều ở chiều giá xanh như: BVH, HPG, VIC, VNM, SAB, PNJ, VRE, VHM, MWG...
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng cũng tiếp thêm động lực tăng cho thị trường chung với SHB tăng tới 6,9%, VIB tăng 2,6%, CTG tăng 1,1%, ACB và BID đều tăng 0,9%, HDB tăng 0,8%…
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/5, chỉ số VN - Index tăng 6,3 điểm (0,74%) lên 859,04 điểm, toàn sàn có 218 mã tăng giá, 67 mã đứng giá và 145 mã giảm giá.
HNX - Index tăng 2,11 điểm (1,97%) lên 109,15 điểm. Toàn sàn có 96 mã tăng giá, 65 mã đứng giá và 62 mã giảm giá.
Thanh khoản đạt ở mức cao với gần 6.466 tỷ đồng trên 2 sàn. Dù vậy, khối ngoại vẫn bán ròng đang là điểm tiêu cực. Theo đó, khối ngoại đã bán ròng 126,48 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Trên thị trường thế giới, hầu hết các thị trường chứng khoán ở châu Á tăng điểm trong phiên chiều 25/5, khi việc mở cửa trở lại nền kinh tế tiếp tục được thúc đẩy tại các nước đã "lấn át" những lo ngại về căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Vào lúc đóng cửa phiên chiều 25/5, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 1,7% lên 20.741,65 điểm và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,5 lên 2.817,97 điểm. Hòa chung xu thế đi lên này, chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) cũng tăng 1,24% (24,47 điểm) lên 1.994,60 điểm, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 tại thị trường Sydney (Australia) tiến thêm 2,16% (118,60 điểm) lên 5.615,60 điểm. Còn chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) ổn định ở mức 22.922,01 điểm.
Giới đầu tư tại các thị trường chứng khoán châu Á đang tiếp nhận những thông tin tích cực về việc chính phủ các nước ở châu Á, châu Âu tiếp tục nới lỏng lệnh phong tỏa được áp dụng trước đó để ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến vào cuối ngày 25/5 sẽ thông báo quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở nước này, trong khi Tây Ban Nha và Italy chuẩn mở cửa trở lại biên giới để tái khởi động ngành du lịch vốn có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.