Tuần qua, tỷ giá giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) đã quay đầu giảm. Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 29/3, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.003 VND/USD,VND/USD, so với đầu tuần, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD giảm 12 đồng.
Với biên độ +/-5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 25.203 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.802 VND/USD.
Giá USD tại Ngân hàng Vietcombank được niêm yết ở mức 24.590 - 24.960 đồng (mua vào - bán ra). Trong tuần qua, giá đồng USD tại ngân hàng này tăng 20 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với đầu tuần.
Giá đồng USD tại BIDV được niêm yết 24.650 - 24.960 đồng (mua vào - bán ra). Với mức này, giá đồng USD tại ngân hàng BIDV giảm 15 đồng ở chiều mua vào và tăng 25 đồng bán ra so với đầu tuần.
Theo dự báo của các chuyên gia và tổ chức quốc tế, tỷ giá VND/USD sẽ hạ nhiệt và giảm về 23.600 VND/USD trong quý III và 23.500 VND/USD trong quý IV/2024.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trên thị trường tự do, tỷ giá VND/USD có mức biến động lớn hơn tại hệ thống ngân hàng thương mại nhưng khối lượng giao dịch tại thị trường này là rất nhỏ trong tổng thể hoạt động của thị trường ngoại hối trong nước. Gần như toàn bộ các giao dịch phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu, vay trả nợ nước ngoài, đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp và các giao dịch hợp pháp của cá nhân luôn được các ngân hàng phục vụ đầy đủ trong định hướng quản lý sự ổn định nhất quán từ cơ quan quản lý...
Trên thị trường thế giới, USD Index hôm nay đạt 104,49, giảm 0,06% vào lúc 6 giờ 49 phút ngày 30/3 theo giờ Việt Nam. Đồng USD giảm nhẹ trong phiên giao dịch vừa qua, sau khi một loạt dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố.
Các nhà đầu tư đang tập trung vào báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ưu tiên theo dõi, được công bố vào thứ Sáu (29/3) để đoán định được lập trường chính sách của Fed.
Báo cáo cho thấy, chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh nhất chỉ trong hơn một năm vào tháng trước, nhấn mạnh khả năng phục hồi của nền kinh tế. Mỹ tiếp tục vượt trội so với các nước cùng ngành trên toàn cầu mặc dù chi phí cho vay cao hơn, nhờ sức mạnh thị trường lao động bền bỉ.
Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại LPL Financial ở Charlotte, Bắc Carolina cho biết: “Lạm phát đang dần chậm lại và có thể quá trình này sẽ kéo dài trong suốt cả năm. Vào thời điểm cuộc họp của Fed diễn ra vào tháng 6, dữ liệu kinh tế sẽ đủ thuyết phục để họ bắt đầu quá trình cắt giảm lãi suất”.
Cục Phân tích Kinh tế của Bộ Thương mại cho biết, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 0,3% trong tháng trước. Dữ liệu tháng 1 đã được điều chỉnh cao hơn cho thấy chỉ số giá PCE tăng 0,4%, thay vì 0,3% như báo cáo trước đó. Trong cuộc thăm dò của Reuters, các nhà kinh tế đã dự báo chỉ số giá PCE tăng 0,4% trong tháng 2.
Giá hàng hóa tăng 0,5% trong tháng 2, được thúc đẩy bởi giá xăng và các sản phẩm năng lượng khác tăng 3,4%. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa giải trí, xe cộ, quần áo và giày dép cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, giá đồ nội thất, thiết bị gia dụng và các hàng hóa sản xuất lâu dài khác đã giảm xuống.
Trong 12 tháng tính đến tháng 2, chỉ số lạm phát PCE đã tăng 2,5%, cao hơn so với mức tăng 2,4% trong tháng 1. Mặc dù áp lực về giá cả đang giảm bớt nhưng tốc độ đã chậm lại so với nửa đầu năm ngoái và lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Mỹ.
Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 29/3 cho biết, dữ liệu lạm phát tháng 2 “phù hợp với những gì chúng tôi mong đợi”.
Các quan chức Fed tuần trước đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách của Ngân hàng Trung ương trong phạm vi 5,25% - 5,50% hiện tại, sau khi tăng thêm 525 điểm cơ bản kể từ tháng 3/2022. Các nhà hoạch định chính sách dự đoán sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Trong đó, thị trường tài chính mong đợi đợt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra tại cuộc họp chính sách tháng 6.