Tuy nhiên trong tuần qua, tỷ giá USD/VND vẫn tăng. Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 22/3, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.003 VND/USD, so với đầu tuần, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD tăng 9 đồng.
Với biên độ +/-5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 25.203 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.802 VND/USD.
Giá USD tại Ngân hàng Vietcombank được niêm yết ở mức 24.590 - 24.960 đồng (mua vào - bán ra). Trong tuần qua, giá đồng USD tại ngân hàng này tăng 70 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với đầu tuần.
Giá đồng USD tại BIDV được niêm yết 24.640 - 24.950 đồng (mua vào - bán ra). Với mức này, giá đồng USD tại ngân hàng BIDV tăng 70 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với đầu tuần.
Theo các chuyên gia, việc khởi động lại hoạt động chào bán tín phiếu của NHNN vừa qua sẽ hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá USD/VND. Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, kể từ đầu năm đến ngày 18/3, VND đã mất giá khoảng 1,8% so với USD; trong đó, 3 nguyên nhân chính là: USD mạnh lên khi nền kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng, thậm chí không suy thoái mà còn tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm vừa qua; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ hạ lãi suất chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu và chênh lệch lãi suất giữa USD và VND vẫn ở mức cao; tình trạng một số doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước vào đầu năm - một yếu tố mang tính mùa vụ và có tác động làm tăng nhu cầu về ngoại tệ…
Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, mục tiêu ngắn hạn khi Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu là điều tiết thanh khoản trên thị trường trong ngắn hạn để tác động đến tỷ giá. Trong dài hạn, việc phát hành tín phiếu để ổn định tỷ giá, lãi suất, thanh khoản… để phục vụ cho mục tiêu dài hạn của chính sách tiền tệ. Đây được xem là một biện pháp giúp hạn chế hiện tượng đầu cơ ngoại tệ.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng, mục đích phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước là hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất ở thị trường. Động thái này cũng có thể được xem như một cách thức điều chỉnh thanh khoản ngắn hạn trên trên hệ thống.
SSI cũng cảnh báo rằng, áp lực tỷ giá trên thị trường quốc tế vẫn khá mạnh, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh hơn, bao gồm việc cân nhắc tăng kỳ hạn tín phiếu hay thanh tra việc mua bán ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại.
Trước động thái hút về lượng lớn tín phiếu, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lại giảm sâu xuống thấp hơn cả mức ghi nhận trước khi kênh tín phiếu được khởi động trở lại. Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) đã giảm về còn 0,5% trong phiên 18/3 từ mức 0,79% ghi nhận vào cuối tuần trước.
Lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác cũng xuống thấp hơn mức ghi nhận trước phiên 11/3: kỳ hạn 1 tuần giảm từ 1% xuống 0,81%; kỳ hạn 2 tuần giảm từ 1,47% xuống 1,17%; kỳ hạn 1 tháng giảm từ 2,05% xuống 1,6%. Đồng thời, tỷ giá USD tại các ngân hàng tăng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc lãi suất liên ngân hàng giảm trở lại đi cùng số lượng thành viên tham gia chào thầu tín phiếu vẫn ở mức khá cao cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn còn khá dồi dào, cùng với áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu nên khả năng Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục phát hành thêm tín phiếu trong những phiên giao dịch tới.
Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, tỷ giá trong nước đang chịu nhiều sức ép khi Fed không sớm hạ lãi suất khiến cho việc chênh lệch lãi suất giữa USD/VND sẽ bị kéo dài. Cùng với đó là hoạt động sản xuất kinh doanh được cải thiện khiến nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu tư liệu sản xuất bật tăng, góp phần tạo áp lực lên giá USD trong nước.
Nhận định vẫn còn sức ép nhưng PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, áp lực lên tỷ giá chỉ trong ngắn hạn, mang tính mùa vụ. Ông Huân nhấn mạnh, việc nhập khẩu hàng hóa chỉ gia tăng một số thời điểm nhất định đầu năm, giữa năm và cuối năm; yếu tố khối ngoại rút vốn cũng không nhiều, vì khối ngoại đã rút ròng trong vòng 5 năm qua từ trước giai đoạn COVID-19 xảy ra nên thời gian tới nếu họ có rút tiếp thì số lượng cũng không đáng kể.
Trong khi đó, nhìn về phía cung, qua các số liệu về tình hình xuất nhập khẩu tiếp tục phục hồi, thu hút FDI tích cực, lượng kiều hối ổn định, cùng với việc điều hành các công cụ chính sách khá chủ động, nhịp nhàng, tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN.