Xử lý nhanh vướng mắc cho doanh nghiệp, đảm bảo thông quan
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5%.
Tuy nhiên, nếu so sánh với tháng 8/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 8/2021 vẫn tăng 6,6%. Trong đó, trị giá xuất khẩu giảm 5,4% nhưng trị giá nhập khẩu lại tăng cao tới 21,2%.
Với kết quả ước tính trên, trong 8 tháng năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 428,82 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó trị giá xuất khẩu đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% và trị giá nhập khẩu đạt 216,27 tỷ USD, tăng 33,8%.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8/2021 ước tính thâm hụt 1,3 tỷ USD. Như vậy, tính chung trong 8 tháng, Việt Nam dự kiến nhập siêu 3,71 tỷ USD.
Với diễn biến số thu ngân sách đang đà giảm mạnh, trong những tháng cuối năm 2021, ngoài việc thành lập các tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau đại dịch COVID-19; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu Thành phố Hồ Chí Minh, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Để hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh thông suốt, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cục, vụ trực thuộc đảm bảo triển khai nghiệp vụ quản lý hải quan làm việc từ xa, kịp thời tiếp nhận, xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp, đảm bảo thông quan hàng hóa 24/7.
Các đơn vị nghiệp vụ Tổng cục Hải quan chủ động đề xuất xử lý vướng mắc, kiến nghị về nghiệp vụ, thủ tục hải quan, trang thiết bị phòng chống dịch của các Cục hải quan tỉnh, thành phố, đặc biệt các địa phương áp dụng tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Điển hình như việc tháo gỡ ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái như đề xuất của Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đầu tháng 8/2021.
Cục Quản lý rủi ro rà soát các tiêu chí đánh giá rủi ro, phù hợp với diễn biến thực tiễn của dịch bệnh đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (phân luồng tờ khai, soi chiếu qua máy soi container…). Đối với hàng container phải kiểm tra thực tế hàng hóa chuyển sang kiểm tra bằng máy soi, nếu kết quả soi chiếu có nghi vấn, công chức hải quan mới kiểm tra trực tiếp.
Chấp nhập doanh nghiệp nộp chứng từ dưới dạng điện tử
Theo ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các địa phương có nhiều khu công nghiệp như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ hoặc ở mức độ cao hơn, dẫn đến nhiều hoạt động không thiết yếu bị tạm dừng.
“Nhiều khu vực bị phong tỏa đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất là rất cao”, ông Đào Duy Tám cho biết.
Trước tình hình này, hải quan đã chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp chứng từ dưới dạng điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số) thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hoá và thành lập các tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu kèm các danh sách cán bộ, số điện thoại từ cấp Tổng cục, Cục Hải quan đến cấp Chi cục làm việc 24/7 để kịp thời tiếp nhận, xử lý vướng mắc của người khai hải quan, bảo đảm hỗ trợ giải quyết thông quan nhanh hàng hoá.
“Với những vướng mắc phát sinh tại chỗ chưa giải quyết được, chỉ cần qua email (thư điện tử), ứng dụng trên Zalo, Viber, các đơn vị sự nghiệp của Tổng cục Hải quan sẽ có hướng dẫn ngay cho các địa phương trong khoảng thời gian chậm nhất là 3 giờ”, ông Đào Duy Tám khẳng định.
Để tạo thuận lợi tối đa cho thông quan các mặt hàng quan trọng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông quan nhanh các lô hàng vật tư, thiết bị y tế, tân dược, vaccine, sinh phẩm xét nghiệm… phục vụ công tác phòng chống dịch; cho phép doanh nghiệp được đưa các lô hàng tân dược về kiểm tra thực tế hàng hóa tại các địa điểm đáp ứng yêu cầu bảo quản đặc biệt để đảm bảo chất lượng của thuốc, vaccine, sinh phẩm…
Liên quan đến các thủ tục đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, trang thiết bị y tế, tân dược, vaccine sinh phẩm xét nghiệm, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố căn cứ quy định tại Điều 50 Luật Hải quan quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp.
Theo đó, hồ sơ thông quan rất đơn giản gồm: Tờ khai hải quan nhập khẩu chưa hoàn chỉnh; văn bản xác nhận của Bộ Y tế hoặc thông báo của Tổng cục Hải quan qua kênh trao đổi trực tiếp với Bộ Y tế về hàng hóa nhập khẩu để phục vụ yêu cầu khẩn cấp. Đối với hàng hóa nhập khẩu do tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ cho Việt Nam, cơ quan hải quan chấp nhận Tờ khai xác nhận viện trợ hàng hóa nhập khẩu chưa được Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính xác nhận để áp dụng chính sách thuế theo quy định đối với hàng viện trợ.