Vào lúc 15 giờ 44 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc tăng 58 xu Mỹ (0,5%) lên 117,98 USD/thùng, và dự kiến tăng khoảng 5% trong tuần này. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 27 xu Mỹ (0,2%) lên 114,36 USD/thùng và dự kiến tăng khoảng 1% trong tuần này.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS cho biết, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 3/2022, do dự trữ dầu tại các kho ở Mỹ sụt giảm.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 25/5 cho hay dự trữ xăng của Mỹ đã giảm 482.000 thùng trong tuần trước xuống 219,7 triệu thùng. Mùa du lịch diễn ra vào dịp Hè ở Mỹ thường là thời điểm tiêu thụ xăng tăng.
Nhà phân tích Staunovo bổ sung thêm rằng mức tăng nguồn cung chậm hơn mức tăng nhu cầu, do đó thị trường dầu có thể sẽ thiếu cung và triển vọng đối với giá dầu vẫn lạc quan.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt này cũng được hỗ trợ khi Ủy ban châu Âu (EC) tìm kiếm sự ủng hộ chung từ 27 nước thành viên EU về các biện pháp trừng phạt mới được đề xuất đối với Nga, khi Hungary đang được xem là một trở ngại trong khối này.
Một phụ tá hàng đầu của Hungary cho biết, nước này cần từ 3 năm rưỡi đến 4 năm để chuyển hướng khỏi dầu thô của Nga và phải đầu tư rất lớn để điều chỉnh nền kinh tế của mình. Hungary không thể ủng hộ đề xuất cấm vận dầu mỏ của EU cho đến khi có một thỏa thuận về tất cả các vấn đề.
Clifford Bennett, nhà kinh tế trưởng của ACY Securities, cho hay nguồn cung sụt giảm và ngày càng nhiều nước chuyển hướng khỏi dầu Nga sẽ khiến các mặt hàng dầu và khí đốt tăng giá đáng kể. Giá dầu đã tăng khoảng 50% cho đến nay.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, dự kiến sẽ tuân theo thỏa thuận sản lượng dầu năm 2021 tại cuộc họp ngày 2/6 tới và nâng mục tiêu sản lượng tháng 7/2022 lên 432.000 thùng/ngày. Do đó, các thành viên OPEC+ sẽ bác bỏ lời kêu gọi của phương Tây về việc tăng sản lượng nhiều hơn để “hạ nhiệt giá”.