Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Sau hơn 2 tháng triển khai quyết liệt, tính đến ngày 25/5, các tổ chức tín dụng (TCTD), kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320.000 khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng.
Ngoài ra, các TCTD cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt trên 767.000 tỷ đồng cho hơn 196.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch. Ngân hàng chính sách xã hội đã gia hạn nợ cho hơn 150.000 khách hàng với dư nợ hơn 3.800 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 680.000 khách hàng với dư nợ hơn 25 nghìn tỷ đồng.
Để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 2 lần công bố giảm lãi suất cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên với mức giảm lên tới 1% về còn tối đa là 5% đã hỗ trợ cho các đối tượng này tiết giảm chi phí vốn, vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Theo các doanh nghiệp vay vốn, để được vay vốn với lãi suất ưu đãi, các đối tượng vẫn phải đáp ứng các tiêu chí của các ngân hàng. Căn cứ vào Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay, các ngân hàng xây dựng tiêu chí khách hàng được vay vốn ngắn hạn bằng VND với lãi suất thấp khác nhau, tùy thuộc vào phân khúc khách hàng, thị trường của ngân hàng và năng lực tài chính của mỗi ngân hàng.
Tuy nhiên, tiêu chí phổ biến nhất mà các ngân hàng đang áp dụng đối với khách hàng vay vốn ngắn hạn bằng VND là doanh nghiệp phải hoạt động có lãi 3 năm liên tiếp, phương án sản xuất kinh doanh khả thi và tình hình tài chính minh bạch. Với những điều kiện này, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) bị loại khi nộp hồ sơ vay vốn.
Đề cập ngân hàng cần nới lỏng, hạ tiêu chuẩn vay vốn để doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn, chuyên gia ngân hàng, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nói: “Không nên thực hiện hạ chuẩn cho vay. Hạ chuẩn cho vay tức là chúng ta phải chấp nhận nợ xấu thời điểm hiện tại và cả tương lai. Đó là điều rất rủi ro cho hệ thống nên vấn đề hạ chuẩn là không thể. Đặc biệt trong lúc này, nền kinh tế, doanh nghiệp suy yếu, nếu lơ là quản lý thì gặp rủi ro là phải trả giá đắt, dù hiểu doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ”.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, để doanh nghiệp vẫn tiếp cận được vốn mà ngân hàng không cần hạ chuẩn tín dụng thì cần tăng cường vai trò hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho DNNVV. Chỉ có hệ thống này mới giúp DNNVV và doanh nghiệp đang bị tác động bởi dịch bệnh có thể vay được vốn mới tại các ngân hàng. Tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp hiện suy giảm, không còn tài sản bảo đảm, thanh khoản dòng tiền. Do vậy, nếu không có sự bảo lãnh của Quỹ BLTD thì không thể vay được vốn tại ngân hàng.
“Về nguyên tắc của tín dụng, hạ chuẩn đồng nghĩa với mất an toàn cho chính bản thân TCTD và mất an toàn cho cả hệ thống tài chính quốc gia. Vì vậy, trách nhiệm của các TCTD là phải thực hiện việc này”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Theo ông Đào Minh Tú, những doanh nghiệp có dự án hiệu quả vẫn đang được các TCTD giải ngân rất tích cực. Những doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn thì được giãn, hoãn trả các khoản nợ cũ một cách hợp lý để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Chính vì thế, việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp hiện nay cùng với việc đảm bảo chất lượng tín dụng phải luôn được song hành. "Việc các TCTD không hạ chuẩn tín dụng cũng không ảnh hưởng tới chuyện hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và người dân hiện nay", Phó Thống đốc nhấn mạnh.