Vàng giao ngay giảm 1% xuống 2.420,51 USD/ounce vào lúc 15 giờ 40 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng đã tăng 0,4% từ đầu tuần đến nay và đạt mức cao kỷ lục 2.483,60 USD/ounce vào thứ Tư (17/7). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 1,34% xuống 2.423,40 USD/ounce.
Đồng USD tăng nhẹ 0,1% và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng gây áp lực lên giá vàng.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Kelvin Wong của OANDA tại châu Á - Thái Bình Dương cho biết, các nhà đầu tư đang đẩy mạnh hoạt động chốt lời nhưng giá vàng có vẻ tích cực trong trung hạn, trong bối cảnh bất ổn chính trị và thời điểm Fed có khả năng cắt giảm lãi suất đang đến gần.
Theo Công cụ FedWatch của CME, thị trường thấy có 98% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024.
Giám đốc điều hành (CEO) Julia Khandoshko tại công ty môi giới châu Âu Mind Money cho rằng thông báo chính thức về chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed dự kiến sẽ thúc đẩy giá vàng tăng. Do đó, giá vàng có khả năng đạt mức kỷ lục 3.000 USD/ounce vào mùa Thu năm 2024.
Tại Việt Nam, lúc 14 giờ 47 phút chiều 19/7, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 78,5 - 80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu giảm do đồng USD mạnh
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch chiều 19/7 do đồng USD mạnh, và lo ngại về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.
Giá dầu Brent giảm 41 xu Mỹ (0,5%) xuống 84,70 USD/thùng vào lúc 13 giờ 50 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 49 xu Mỹ (0,6%) xuống 82,33 USD/thùng.
Từ đầu tuần đến nay giá dầu Brent giảm 0,3%, trong khi giá dầu WTI tăng nhẹ.
Chỉ số đồng USD tăng trong phiên thứ hai liên tiếp. Đồng bạc xanh mạnh làm giảm nhu cầu dầu mỏ được định giá bằng đồng USD từ những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Dữ liệu chính thức cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến 4,7% trong quý II/2024, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu mỏ của đất nước này.
Ngoài ra cũng còn một số yếu tố chi phối thị trường như tình trạng cháy rừng ngày càng tồi tệ đe dọa sản lượng khai thác dầu cát của Canada. Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (OPEC+) khó có thể thay đổi chính sách sản lượng của nhóm.
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch chiều 19/7 khi kỳ vọng về việc Mỹ cắt giảm lãi suất được bù đắp bởi sự không chắc chắn về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và lo ngại kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến.
Kết thúc phiên này chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,2% xuống 40.063,79 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 2% xuống 17.417,68, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,2% lên 2.982,31 điểm. Thị trường Sydney, Seoul, Singapore, Mumbai, Bangkok, Đài Bắc, Wellington và Jakarta cũng giảm điểm.
Thị trường cũng quan tâm đến khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác cũng chi phối thị trường như kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong quý II/2024 và cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ.
Tại Việt Nam, chốt phiên 19/7 chỉ số VN-Index giảm 9,66 điểm (-0,76%), xuống 1.264,78 điểm, HNX-Index giảm 1,97 điểm (-0,81%) xuống 240,52 điểm.