Trong bối cảnh biến động địa chính trị, chính sách lãi suất thay đổi và các yếu tố kinh tế vĩ mô khác, vàng tiếp tục khẳng định vai trò là tài sản trú ẩn an toàn. Cùng điểm lại các yếu tố đã định hình thị trường kim loại quý này trong năm 2024, cũng như dự đoán những động lực và thách thức có thể tác động đến giá vàng năm 2025.
Những cột mốc quan trọng
Giá vàng đạt mức 2.251 USD/ounce vào cuối tháng Ba. Đây là mức giá cao nhất trong quý I nhờ lực mua từ các ngân hàng trung ương như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan. Đồng thời, nhu cầu vàng vật chất tại Trung Quốc tăng kỷ lục, đạt 271 tấn trong tháng Một.
Giá vàng tiếp tục tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục mới 2.450 USD/ounce vào tháng 5/2024. Một trong những yếu tố chính hỗ trợ đà tăng của giá vàng là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu về các đợt cắt giảm lãi suất. Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tại Mỹ và châu Âu bắt đầu đón nhận dòng tiền đổ vào trở lại, tạo động lực cho giá vàng.
Vàng đạt “đỉnh” mới 2.672 USD/ounce vào cuối tháng 9/2024. Đặc biệt, tổng nhu cầu vàng toàn cầu trong quý III đã vượt ngưỡng 100 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử, phản ánh sự gia tăng mạnh mẽ trong nhu cầu đầu tư và tích trữ từ các ngân hàng trung ương cũng như nhà đầu tư cá nhân. Trong quý III, các ngân hàng trung ương toàn cầu mua vào 186 tấn vàng, với sự dẫn đầu của Ngân hàng trung ương Ba Lan (42 tấn).
Với đà tăng liên tiếp giá vàng đã thiết lập mức cao nhất lịch sử ở mức 2.790,15 USD/ounce vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 5/11, thị trường đã hứng chịu một cú sốc ngắn hạn do tâm lý lo ngại từ các nhà đầu tư về khả năng thay đổi chính sách kinh tế. Giá vàng hạ xuống 2.664 USD/ounce vào phiên 6/11. Mặc dù Fed quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày 7/11, đẩy giá vàng vượt mức 2.700 USD/ounce trong giây lát, nhưng áp lực bán vẫn còn đó, khiến giá vàng chạm đáy của quý ở mức 2.562,50 USD/ounce vào ngày 15/11.
Lực đẩy cho giá vàng
Fed đã cắt giảm lãi suất tổng cộng 0,75 điểm phần trăm kể từ đầu năm nay, và dự kiến sẽ có thêm 1 lần cắt giảm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách kết thúc ngày 18/12 (giờ địa phương). Điều này tạo điều kiện cho giá vàng leo dốc. Chính sách nới lỏng tiền tệ làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng và khiến đồng USD suy yếu, qua đó tăng sức hấp dẫn của kim loại quý này.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị tại Ukraine (U-crai-na) và Trung Đông khiến nhà đầu tư đổ dồn vào vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Thị trường vàng trong năm nay còn được hưởng lợi từ xu hướng mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương toàn cầu. Trong bốn quý liên tiếp tính đến quý III/2024, các ngân hàng trung ương đã mua ròng hơn 900 tấn vàng, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Đông Âu. Dữ liệu gần đây nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tháng 10 vừa qua chứng kiến mức mua ròng vàng cao nhất của các ngân hàng trung ương toàn cầu trong năm nay. Mặc dù các ngân hàng trung ương đã mua một lượng vàng đáng kể từ năm 2022, ông John LaForge, nhà quản lý cấp cao tại ngân hàng Wells Fargo cho biết vẫn còn dư địa để kho dự trữ vàng của họ gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi.
Triển vọng thị trường năm 2025
Năm 2025 được dự báo là một năm đầy thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội cho thị trường vàng. Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Mỹ. Nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, với những chính sách kinh tế khó đoán định, được coi là yếu tố then chốt. Chính sách của ông có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, nhưng đồng thời cũng có thể gây ra áp lực lạm phát và bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu.
Dựa trên dự báo chung của thị trường, Fed được kỳ vọng sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm 2025. Lạm phát của Mỹ dự kiến sẽ hạ nhiệt nhưng vẫn ở trên mức mục tiêu. Cùng với đó, các ngân hàng trung ương châu Âu cũng có thể sẽ hạ lãi suất. Đồng USD được dự báo sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ khi các điều kiện kinh tế bình thường hóa, trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn duy trì ở mức tích cực.
Trong bối cảnh này, hành động của Fed và hướng đi của đồng USD vẫn sẽ là những yếu tố tác động quan trọng đến giá vàng. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ những năm gần đây cho thấy, đây không phải là hai yếu tố duy nhất quyết định hiệu suất của giá vàng. Một khuôn khổ phân tích toàn diện hơn cần xem xét đến tất cả các yếu tố cung - cầu trên thị trường vàng, bao gồm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu đầu tư, hoạt động của ngân hàng trung ương và nguồn cung từ khai thác.
Nếu Fed hoặc các ngân hàng trung ương lớn đảo ngược chính sách cắt giảm lãi suất hoặc tăng lãi suất mạnh để đối phó với lạm phát, vàng có thể trở nên kém hấp dẫn do chi phí cơ hội cao hơn. Trong khi đó, nếu tăng trưởng toàn cầu chậm hơn kỳ vọng và các rủi ro bất ổn địa chính trị giảm bớt, nhu cầu vàng toàn cầu có thể hạ nhiệt. Tuy vậy, nhu cầu từ ngân hàng trung ương nhằm bảo toàn nguồn dự trữ ngoại hối và khả năng đồng USD yếu đi sẽ có thể làm tăng sức hấp dẫn của vàng.
Nhận định từ các tổ chức quốc tế
Trong báo cáo Triển vọng 2025, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) nhận định rằng kim loại quý này vẫn có tiềm năng tăng giá, nếu nhu cầu của các ngân hàng trung ương mạnh hơn dự báo hoặc tình hình tài chính kém đi, kéo nhu cầu trú ẩn lên cao. Dù vậy, mức tăng năm 2025 có thể chậm hơn năm nay. Bên cạnh đó, nếu làn sóng giảm lãi suất bị đảo ngược, kim loại quý sẽ gặp nhiều thách thức.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo giá vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2025, bất chấp khả năng đồng USD mạnh lên. Ngân hàng này cho rằng đà tăng của vàng sẽ tiếp tục nhờ vào việc Fed cắt giảm lãi suất và sự gia tăng bất ổn kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, tập đoàn tài chính Citi Group dự báo giá vàng có thể đạt mức 2.900 USD/ounce vào năm 2025 chủ yếu nhờ hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương và các quỹ ETF. Citi Group nhấn mạnh rằng việc cắt giảm lãi suất toàn cầu và nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng.
S&P Global dự báo giá vàng sẽ dao động trong khoảng 2.500-3.200 USD/ounce vào năm 2025, với mức trung bình khoảng 2.750 USD/ounce, tăng 14% so với năm 2024.
Còn theo các nhà phân tích hàng hóa tại Wells Fargo, nhu cầu đầu tư vào vàng có thể gặp trở ngại trong năm 2025, khi nền kinh tế Mỹ vững mạnh hỗ trợ đồng USD và chu kỳ nới lỏng của Fed kết thúc. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản giá vàng có thể đạt mức cao mới. Wells Fargo dự báo vào cuối năm 2025, giá vàng sẽ đạt mức 2.800-2.900 USD/ounce. Nhận định lạc quan này xuất phát từ kỳ vọng Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất một lần trong năm tới, khi lạm phát vượt mức 3%.