Lúc 8 giờ 30 phút, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 41,32 - 41,54 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 130.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và chiều bán so với giá chốt phiên hôm qua.
Trong khi đó, Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức 41,3 - 41,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC giữ nguyên so với giá đóng cửa hôm qua, niêm yết ở mức 41,24 - 41,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trước đó, giá vàng châu Á đi xuống trong phiên chiều 18/11 sau khi xuất hiện những báo cáo lạc quan về các cuộc đàm phán "mang tính xây dựng" giữa Mỹ và Trung Quốc hồi cuối tuần qua.
Theo đó, trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay để mất khoảng 0,3% xuống 1.463,4 USD/ounce vào lúc 14 giờ 32 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá vàng Mỹ giao kỳ hạn để mất 0,4% xuống 1.462,9 USD/ounce.
Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc mới đây đưa tin Washington và Bắc Kinh đã có một cuộc điện đàm cấp cao vào thứ Bảy (16/11); trong đó, hai bên đã thảo luận các vấn đề cốt lõi của nhau trong giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại.
Ông Hareesh V, người đứng đầu mảng nghiên cứu thị trường hàng hóa tại công ty dịch vụ tài chính Geojit Financial Services cho biết, giai đoạn đầu của thỏa thuận là vô cùng quan trọng đối với các nhà đầu tư, vì nó sẽ định hình xu hướng cho các giai đoạn sau.
Các thị trường chứng khoán tại châu Á cũng đi lên trong phiên này, sau khi Trung Quốc bất ngờ cắt giảm lãi suất cho vay lần đầu tiên kể từ năm 2015. Động thái này làm dấy lên những đồn đoán rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ còn thực hiện thêm những biện pháp kích thích khác để đảm bảo đà tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bà Margaret Yang Yan, nhà phân tích thị trường tại công ty tài chính CMC Markets cho rằng, sự phục hồi trong nhu cầu về các tài sản rủi ro trên khắp châu Á cũng như sự lạc quan thận trọng của các nhà đầu tư về thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” được ký kết trước Giáng sinh này đang tạo áp lực đi xuống cho giá vàng.
Trong bối cảnh đó, giá vàng chỉ có thể tăng khi xảy ra sự cố trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngoài ra, thị trường đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách tháng 10 của Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ), dự kiến được công bố vào thứ Tư tuần này (20/11), để tìm thêm manh mối về quỹ đạo lãi suất của Fed trong tương lai.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất giảm sẽ khiến đồng USD yếu đi song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng tăng đáng kể.