Trong phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.667,01 USD/ounce và cách mức cao kỷ lục đạt được vào tháng trước 18 USD. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 2.683,50 USD/ounce.
Nhà chiến lược hàng hóa Soni Kumari của ANZ, cho biết yếu tố thay đổi cục diện đối với giá vàng là chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ, vì nó tạo tiền đề cho nhu cầu đầu tư. Tình hình bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Mỹ và căng thẳng địa chính trị cũng sẽ hỗ trợ cho vàng trong tương lai.
Vàng vốn được coi là tài sản không sinh lời, thường được ưa chuộng trong môi trường lãi suất thấp và trong thời kỳ bất ổn địa chính trị.
Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters, giá vàng giao ngay có khả năng sẽ quay trở lại mức cao nhất đạt được hôm 26/9 là 2.685 USD/ounce khi kim loại quý này phá ngưỡng kháng cự 2.666 USD/ounce.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố ngày 17/10, để tìm kiếm dấu hiệu mới về chu kỳ nới lỏng tiền tệ của Fed.
Các nhà giao dịch dự đoán 97,2% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 11/2024.
Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly cho biết Fed vẫn đang trên đà cắt giảm thêm trong năm nay nếu các dữ liệu kinh tế đáp ứng kỳ vọng. Trong khi đó, chủ tịch Fed cho nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic dự đoán có thêm một lần cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong năm nay.
Các đại biểu tham dự cuộc họp thường niên của Hiệp hội Thị trường Vàng London (LBMA) dự đoán giá vàng sẽ tăng lên 2.941 USD/ounce trong 12 tháng tới và giá bạc sẽ tăng lên 45 USD/ounce.
Tại thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,5% lên 31,63 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 1,2% lên 996,20 USD/ounce và giá palladium tăng 0,4% lên 1.013,01 USD/ounce.
Tại Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 84 - 86 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).