Khoảng 3 giờ 35 phút sáng ngày 13/7 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm nhẹ 0,1% xuống còn 2.411,57 USD/ounce. Tính cả tuần này, giá vàng giao ngay đã tăng gần 1%. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,2% xuống còn 2.416,7 USD/ounce.
Xu hướng tăng phần lớn bao trùm thị trường vàng tuần qua nhờ số liệu kinh tế khả quan của Mỹ củng cố đồn đoán về việc Fed cắt giảm lãi suất.
Giá vàng đã tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 22/5 trong phiên ngày 11/7 sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ giảm bất ngờ. Số liệu này đã củng cố quan điểm rằng xu hướng giảm lạm phát đã tiếp tục và làm tăng hy vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất.
Trước đó, dự đoán về khả năng Fed hạ lãi suất tạo đà đi lên cho giá vàng thế giới trong phiên 10/7 sau phiên điều trần trước Thượng viện của Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 9/7. Tại đây, ông Powell đã đánh giá nền kinh tế Mỹ không còn quá nóng, với thị trường việc làm đã hạ nhiệt và nhiều lĩnh vực kinh tế đã quay trở lại tình trạng trước đại dịch COVID-19, khiến khả năng cắt giảm lãi suất đang trở nên mạnh mẽ hơn.
Theo ông Powell, sau khi không đạt được tiến bộ trong mục tiêu lạm phát 2% vào đầu năm nay, số liệu hàng tháng gần đây nhất đã cho thấy những bước tiến triển nhỏ. Người đứng đầu Fed cho rằng những dữ liệu tích cực hơn sẽ củng cố niềm tin rằng lạm phát đang hướng tới mức 2% một cách bền vững.
Chủ tịch Fed cũng đánh giá thị trường lao động dường như đã hoàn toàn cân bằng trở lại. Báo cáo việc làm hôm 5/7 của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ đang chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 4,1%, điều mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho rằng sẽ giúp lạm phát tiếp tục giảm.
Ông Powell coi tỷ lệ thất nghiệp là "vẫn thấp", song cũng lưu ý rằng với những tiến bộ đạt được trong việc giảm lạm phát và hạ nhiệt thị trường lao động 2 năm qua, lạm phát tăng cao không phải là rủi ro duy nhất nước Mỹ phải đối mặt. Ông cho rằng chính sách quá chặt chẽ trong thời gian quá dài có thể làm suy yếu quá mức hoạt động kinh tế và việc làm. Người đứng đầu ngân hàng trung ương cũng đánh giá tăng trưởng kinh tế của Mỹ "vẫn vững chắc", với nhu cầu tư nhân "mạnh mẽ", điều kiện cung ứng tổng thể được cải thiện và "sự phục hồi" về đầu tư nhà ở.
Giá vàng đã đi lên trong phiên 9/7 bất chấp đồng USD mạnh hơn. Đồng USD đã tăng 0,2% so với các đồng tiền chủ chốt khác và khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người không nắm giữ đồng bạc xanh.
Do chịu ảnh hưởng bởi đà phục hồi của thị trường chứng khoán và hoạt động chốt lời của giới đầu tư sau khi tăng mạnh trong phiên trước đó, giá vàng thế giới giảm hơn 1% trong phiên đầu tuần 8/7.
Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures, nhận định sự sụt giảm của giá vàng trong phiên này dường như chịu ảnh hưởng từ hoạt động chốt lời. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán trong phiên này, phần nào cạnh tranh với các kim loại quý. Chỉ số Nasdaq và S&P 500 của chứng khoán Mỹ đạt mức cao kỷ lục, trong khi chỉ số Dow Jones ghi nhận mức cao nhất trong hơn một tháng.
Tuy nhiên, chuyên gia này tin rằng vàng sẽ tăng giá dựa trên dự đoán rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Ông cho biết công cụ theo dõi Fed dự báo ngân hàng này sẽ hạ lãi suất một lần vào tháng Chín và một lần nữa có thể vào tháng 11 và tháng 12, điều này sẽ có lợi cho giá vàng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng Sáu đã hạ nhiệt mạnh hơn dự báo. Số liệu này giúp củng cố niềm tin của người dân đối với chính sách kinh tế của Chính phủ Mỹ.
Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng Sáu, CPI tổng thể giảm 0,1% so với tháng trước đó và là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2020. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI trong tháng Sáu tăng 3%, nhờ giá xăng giảm nhiều hơn bù đắp chi phí nhà ở. Con số này thấp hơn so với dự báo trước đó của giới phân tích là 3,1% và cũng là mức tăng theo năm thấp nhất kể từ năm 2021.
Trong khi đó, nếu không bao gồm giá năng lượng và lương thực, thực phẩm, chỉ số CPI lõi tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 4/2021.
Sau báo cáo trên, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng nỗ lực kiềm chế lạm phát đang đạt được "tiến bộ đáng kể".
Chỉ số giá giá sản xuất (PPI) của Mỹ đã tăng vừa phải trong tháng 6/2024, tiếp tục xác nhận rằng xu hướng giảm của lạm phát vẫn tiếp diễn, đồng thời củng cố lập luận cho việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024.
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường hiện đang định giá 96% khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.