Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.629,69 USD/ounce, sau khi tăng hơn 1% lên mức 1,642,29 USD/ounce vào đầu phiên. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tiến 0,2%, lên 1.636,20 USD/ounce.
Ryan McKay, chiến lược gia hàng hoá tại công ty chứng khoán TD Securities (Mỹ), nhận định: “Mức tăng của giá vàng trong phiên này chỉ là phục hồi một chút sau đà lao dốc đã được chứng kiến trong những ngày gần đây. Tôi không nghĩ rằng thực sự có bất kỳ sự thay đổi cơ bản nào diễn ra trên thị trường vàng”.
Đồng USD giảm từ mức đỉnh của 20 năm khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang vàng, vốn đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 là 1,620,20 USD/ounce trong phiên trước đó. Đồng USD suy yếu làm vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người nắm giữ những loại tiền tệ khác.
Jim Wyckoff, chuyên gia phân tích cấp cao tại chuyên trang về thị trường vàng Kitco Metals (Canada) cho rằng, giá vàng phiên 27/9 cũng được hưởng lợi từ việc giá điều chỉnh tăng trở lại từ áp lực bán tháo gần đây.
Tuy nhiên, vàng phải đối mặt với áp lực từ các đợt nâng lãi suất mạnh mẽ có xu hướng làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại không sinh lời này.
Chủ tịch chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bang Chicago, Charles Evans, cho biết ngân hàng này sẽ cần nâng lãi suất thêm ít nhất 1 điểm phần trăm nữa trong năm nay.
Trong khi đó, cũng trong phiên 27/9, giá bạc giao ngay tăng 0,3%, lên 18,39 USD/ounce. Giá bạch kim mất 0,6%, xuống 846,53 USD/ounce. Còn giá palladium tăng 1%, lên 2.066,67 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 28/9, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức 64,60 – 65,62 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).