Cụ thể, giá vàng giao tháng 8/2022 tăng 6,1 USD (tương đương 0,34%), lên 1.819,6 USD/ounce.
Ngày 15/6, Fed thông báo quyết định tăng lãi suất với mức tăng mạnh nhất trong gần 30 năm sau khi lạm phát tăng đột biến vào tháng Năm. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed cho biết quyết định nâng phạm vi lãi suất cơ bản của ngân hàng lên 1,5-1,75%. Đây là lần tăng lãi suất với mức tăng 0,75 điểm phần trăm đầu tiên của Fed kể từ năm 1994.
FOMC cho biết trong một thông báo về việc tăng lãi suất rằng xung đột giữa Nga và Ukraine đang gây ra khó khăn to lớn về con người và kinh tế, tạo thêm áp lực gia tăng đối với lạm phát và đang đè nặng lên hoạt động kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, việc hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. FOMC cũng rất chú ý đến vấn đề rủi ro lạm phát.
Việc Fed tăng lãi suất với mức tăng mạnh bất thường diễn ra sau bốn ngày "hỗn loạn" đối với thị trường tài chính tại Mỹ, khi cổ phiếu đã lao dốc, lợi tức trái phiếu tăng vọt và giá trị tiền điện tử đã sụp đổ trước sự gia tăng đáng báo động của tốc độ tăng giá vào tháng trước.
Bên cạnh đó, giá vàng nhận được thêm sự hỗ trợ trong phiên 15/6 khi Bộ Thương mại Mỹ báo cáo doanh số bán lẻ bất ngờ giảm 0,3% trong tháng Năm, trái ngược với mức tăng 0,7% (sau điều chỉnh) của tháng Tư trước đó.
Cũng trong phiên giao dịch, giá bạc giao tháng Bảy tăng 46,6 xu Mỹ (2,22%), lên mức 21,42 USD/ounce. Giá bạch kim giao tháng Bảy cũng tăng 13,9 USD (1,53%), đóng cửa ở mức 924,6 USD/ounce.
Còn tại Việt Nam, trước khi mở cửa ngày giao dịch 16/6, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 67,65 - 68,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).