Giá vàng đã để mất 10% giá trị kể từ giữa tháng Tư do đồng bạc xanh mạnh lên khiến vàng, vốn được giao dịch bằng đồng tiền này, trở nên đắt đỏ hơn cho những khách hàng nắm giữ đồng tiền tệ khác.
Trong tuần trước, giá vàng đã có lúc “lấy lại sức” khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đồng USD mạnh lên là điều không tốt đối với nền kinh tế, qua đó đẩy đồng tiền này rời khỏi mức “đỉnh” của một năm. Tuy nhiên, xu hướng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Vào lúc 1 giờ 36 phút sáng ngày 24/7 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.224,67 USD/ounce, gần mức thấp của ngày 19/7 là 1.211,08 USD/ounce, còn giá vàng kỳ hạn Mỹ giao tháng 8/2018 giảm 0,4% xuống 1.225,60 USD/ounce.
Theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters, giá vàng sụt giảm trong những tháng gần đây đã khiến nhiều ngân hàng và trung tâm môi giới hạ dự báo giá vàng trung bình cho năm nay và năm 2019. Dù vậy vẫn có chuyên gia dự báo kim loại quý này sẽ phục hồi về mức 1.300 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,85% xuống 15,34 USD/ounce sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2017 trong tuần trước. Các chuyên gia tham gia khảo sát của Reuters dự báo giá bạc sẽ phục hồi và ở mức trung bình 16,70 USD/ounce trong năm nay.
Giá bạch kim giao ngay không đổi, giao dịch ở mức 826,50 USD/ounce sau khi chạm “đáy” kể từ năm 2008 trong tuần trước, còn giá palladium giao ngay phục hồi từ mức thấp trong một năm của tuần trước và tăng 2,2% lên 913,5 USD/ounce. Giá bạch kim và palladium có thể phục hồi từ các mức hiện nay, trong đó giá bạch kim được dự báo giao dịch ở mức trung bình 922 USD/ounce trong năm nay, còn palladium ở mức trung bình 1.000 USD/ounce.
* Trong phiên giao dịch ngày 24/7, giá dầu thế giới giảm do tâm điểm chú ý của thị trường chuyển từ tình hình căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran, vốn là yếu tố trước đó trong phiên đã đẩy giá dầu lên cao, sang những lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung.
Cụ thể, tại thị trường New York, khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1 xu Mỹ và được giao dịch ở mức 73,06 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 37 xu Mỹ xuống còn 67,89 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất trong phiên là 69,31 USD/thùng.
Thị trường “vàng đen” đảo ngược đà tăng trong phiên này khi sự chú ý của giới đầu tư chuyển hướng sang nguy cơ dư thừa nguồn cung. Chuyên gia phân tích Phil Flynncủa Công ty Price Futures Group ở Chicago cho biết Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu lớn khác đang gia tăng sản xuất để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng ở Iran khi thời hạn tháng 11 đang đến gần. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra thời hạn 4/11 để các nước giảm dần và tiến đến ngừng nhập khẩu dầu từ Iran.
Thị trường dầu cũng bị ảnh hưởng bởi những quan ngại về những tác động của tình hình căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và các đối tác thương mại đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng.
Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ đánh thuế toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trừ khi Bắc Kinh đồng ý có những thay đổi lớn trong các chính sách chuyển giao công nghệ, trợ cấp cho các ngành nghề và thành lập liên doanh.
Tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu vốn có quan hệ mật thiết vì các nền kinh tế phát triển sẽ thúc đẩy tiêu thụ dầu cho hoạt động thương mại, đi lại cũng như ô tô.
* Các thị trường chứng khoán biến động trái chiều khi khép lại ngày giao dịch 23/7 trước kỳ báo cáo lợi nhuận của giới doanh nghiệp trong tuần này từ các tên tuổi như GlaxoSmithKline, Daimler, Boeing hay Amazon, Facebook và tình trạng căng thẳng kéo dài do các cuộc chiến thương mại.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) President Jean-Claude Juncker sẽ đến Washington (Mỹ) vào ngày 25/7 để tham dự cuộc họp với Tổng thống Mỹ Donald Trump với nỗ lực phòng tránh sự leo thang trong việc áp thuế quan đáp trả qua lại của đôi bên. Mỹ đã vướng vào một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và châu Âu trong khi các cuộc đàm phán với Canada và Mexico về điều chỉnh lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) rơi vào tình trạng đình trệ.
Theo chiến lược gia Tony Dwyer của Canaccord Genuity, thật khó để hình dung ra một môi trường thương mại khó khăn hơn do tình trạng chiến tranh thương mại đang xấu di, đồng nội tệ của Trung Quốc giảm giá mạnh, sự hồi phục kinh tế không đồng đều của các nước trên thế giới và bình luận của Tổng thống Mỹ về chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Đóng cửa ngày giao dịch 23/7 tại thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,1% xuống còn 25.044,29 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,2% lên 2.806,98 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,3% lên 7.841,87 điểm.
Trong khi đó, tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán London (Vương quốc Anh) giảm 0,3% lên 7,655.79 điểm khi chốt phiên giao dịch 23/7. Chỉ số chứng khoán DAX 30 của thị trường Frankfurt (Đức) đóng cửa với mức giảm 0,1% xuống còn 12.548,57 điểm, và chỉ số CAC 40 của thị trường Paris (Pháp) chốt phiên hạ 0,4% xuống còn 5.378,25 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 giảm 0,2% xuống còn 3.453,42 điểm khi đóng cửa ngày giao dịch 23/7.