Khép phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.920,91 USD/ounce, còn giá vàng Mỹ giao kỳ hạn để mất 0,8% xuống 1.923,1 USD/ounce.
Giám đốc mảng giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, ông David Meger, cho rằng thị trường hiện rất lạc quan về mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung và phương pháp điều trị COVID-19, do đó nhu cầu đối với tài sản an toàn như vàng đã giảm bớt.
Các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc ngày 25/3 tái khẳng định cam kết đối với thỏa thuận thương mại Giai đoạn I, bên cạnh thông tin lạc quan về tiến bộ trong phát triển phương pháp điều trị COVID-19.
Số liệu mới nhất cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 8/2020 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn sáu năm, giữa lúc các hộ gia đình lo ngại về thị trường lao động và thu nhập. Nhận định về vấn đề này, Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới OANDA, cho rằng các yếu tố này vẫn chi phối giá vàng. Niềm tin người tiêu dùng Mỹ đi xuống và điều này sẽ buộc Mỹ tung ra thêm các gói kích thích kinh tế, qua đó củng cố triển vọng tích cực cho giá vàng.
Các ngân hàng trung ương và chính phủ các nước trên toàn cầu đã tung ra các gói kích thích tiền tệ và tài chính khổng lồ nhằm vực dậy nền kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh, qua đó giúp giá vàng tăng hơn 25% kể từ đầu năm tới nay.
Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ có bài phát biểu tại cuộc họp các quan chức Fed diễn ra ngày 27/8 ở Jackson Hole, Wyoming (Mỹ). Fed hiện giữ lãi suất chủ chốt ở mức gần 0% - yếu tố có lợi cho tài sản không sinh lời như vàng.
Giá bạc phiên này giảm 1% xuống 26,28 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,7% lên 922,08 USD/ounce, trong khi giá palladium tăng 0,4% lên 2.168,65 USD/ounce.
Khép phiên này, tại thị trường Việt Nam, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,10 - 56,17 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).