Trên cơ sở này, các ngân hàng và doanh nghiệp được phép kinh doanh cũng duy trì niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 76,98 triệu đồng/lượng từ 7/6.
Tại phiên giao dịch cuối cùng tháng 6 (30/6), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Việc duy trì giá bán ổn định khiến mức chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới quy định chỉ dao động trong khoảng 3 - 4 triệu đồng/lượng, bất chấp biến động giá vàng thế giới.
Tuần qua, giá vàng thế giới biến động bất nhất, chi phối bởi sự lên xuống của đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ. Trong khi đó, các nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng chờ đợi dữ liệu lạm phát mới của Mỹ.
Ông David Meger, Giám đốc Giao dịch và Đầu tư tại Công ty Giao dịch hàng hóa kỳ hạn High Ridge Futures nhận định: “Chúng ta nhận thấy xu hướng lạm phát đang giảm dần. Kết quả là lợi suất trái phiếu tiếp tục giảm, trái phiếu tăng và điều đó phần nào hỗ trợ thị trường vàng”.
Theo công cụ CME FedWatch, giới đầu tư dự báo xác suất 68% Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 tới, cao hơn so với mức xác suất 64% trước khi công bố dữ liệu lạm phát.
Chủ tịch Fed bang San Francisco, Mary Daly cho biết dữ liệu lạm phát mới nhất là “tin tốt cho thấy chính sách lãi suất đang có hiệu quả”.
Đầu tuần này, Ngân hàng Bank of America (BofA) nhận định, giá vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce trong 12 - 18 tháng tới, dù dòng tiền không thể hiện cho mức giá đó ngay bây giờ.
Thị trường cũng đang thận trọng trước những dấu hiệu Nhật Bản can thiệp vào đồng Yen khi đồng nội tệ Nhật Bản rơi xuống gần mức thấp nhất trong 38 năm. Sự bất ổn kinh tế có xu hướng thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng.