Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, dù thời điểm cuối ngày, tại phố vàng Trần Nhân Tông (Hà Nội) tối 5/3 vẫn đông người đến giao dịch; trong đó, có cả người mua và người bán. Tại một số cửa hàng lớn, thương hiệu vàng có uy tín, người dân phải xếp hàng khá dài. Ở đây cũng phải mở thêm các quầy giao dịch phục vụ số đông khách hàng. Các cơ sở kinh doanh phân luồng khách hàng đến mua bán để bảo đảm không gian mua sắm cũng như tránh tình trạng chen lấn xô đẩy.
Theo chị Hoàng Mỹ Linh, quận Đống Đa, khi vào xu thế tăng mạnh, vàng thường tăng rất nhanh, cả trên thế giới và trong nước. Nên dù giá vàng miếng và vàng nhẫn đồng loạt tăng nhưng với biến động của giá vàng thế giới hiện nay, chị vẫn quyết định mua vào với kỳ vọng giá vàng trong nước sẽ tiếp tục tăng.
Chuyên gia Trương Vi Tuấn tại trang giavang.net chia sẻ, nhu cầu đầu tư vàng để bảo toàn giá trị tài sản, đầu tư sinh lời của người dân đang thực sự tăng cao. Điều này thể hiện rõ ở việc người dân đã chuyển sang các sản phẩm đa dạng hơn khi không chỉ mua vàng miếng SJC (thương hiệu quốc gia) mà còn lựa chọn các sản phẩm vàng nhẫn, vàng thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín.
Ngược lại, nhiều người lại tìm đến cửa hàng vàng để bán vào dịp này, với mong muốn chốt lời khi đang ở vùng giá cao.
Cập nhật tại thời điểm 18 giờ, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 78,8 - 80,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 400.000 đồng/lượng ở mỗi chiều so với chốt phiên hôm qua. Cùng lúc, Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 67,43 - 68,63 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 850.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Với bước tăng cũng như mức giao dịch này, giá vàng miếng và vàng nhẫn đang ở vùng cao nhất từ đầu năm, thậm chí cao hơn so với "cao điểm" ngày Vía Thần tài cách đây 2 tuần. Dù vậy, nhu cầu giao dịch tăng mạnh trong những ngày này cũng khiến một số cửa hàng, đơn vị kinh doanh rơi vào tình trạng khan hàng, nhất là đối với các sản phẩm vàng có khối lượng dưới 5 chỉ.
Chị Hoàng Thuý Ngân, đại diện cửa hàng Bảo Ngân trên phố Trần Nhân Tông cho hay, bình thường nhu cầu của người dân đối với mặt hàng vàng không quá lớn, nhất là sau ngày Vía Thần tài. Do nhu cầu không lớn, cửa hàng cũng không nhập về nhiều, nên cũng có thời điểm thiếu hàng để bán.
Cùng ngày, tại TP Hồ Chí Minh, nhiều tiệm vàng chật kín người đến bán để chốt lời; người mua cũng đông đúc khiến một số tiệm vàng phải hạn chế số vàng được mua.
Ghi nhận tại tiệm vàng Kim Kim Thành (Quận 6, TP Hồ Chí Minh) chiều 5/3 cho thấy, lượng khách đến mua và bán vàng tấp nập chật kín cửa tiệm. Đến gần cuối giờ, cửa hàng chỉ còn nhẫn vàng trơn và vàng số 9999 là sản phẩm của tiệm vàng và của các công ty khác.
Theo bà Thủy, chủ tiệm vàng Kim Thành, giá vàng liên tục tăng mấy ngày nay nên nhiều người đến mua nhưng cũng nhiều người đến bán.“Vàng miếng, vàng nhẫn được mua nhiều nhất. Có lúc hết hàng, tiệm vàng viết giấy hẹn ngày để khách quay lại lấy. Chúng tôi cũng không nhận tiền cọc như trước, cũng không còn livestream bán vàng trực tiếp vì không đủ để giao cho khách”, bà Thủy chia sẻ.
Tại tiệm vàng Mi Hồng (trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh) trưa nay cũng thu hút người mua, bán đứng chen chúc dù giá vàng đã tăng hơn so với hôm qua (4/3) ở cả 2 chiều mua và bán. Giá vàng tăng, nên có người vừa mua hôm ngày vía Thần Tài nay cũng đã đến bán để chốt lời.
Nhân viên tiệm vàng cho hay, gần 10 ngày qua, lượng khách đến giao dịch đều rất đông và đông nhất tầm giữa trưa đến chiều tối. Do giá vàng tăng, nhiều người mua, cửa hàng không đủ hàng, kể cả vàng nhẫn tròn trơn nên chỉ bán tối đa 2 chỉ vàng cho mỗi khách.
Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, cửa hàng Mi Hồng cũng không còn mặt hàng nhẫn vàng trơn trong khi vẫn còn nhiều người đến hỏi mua.
Tương tự, nhiều tiệm vàng trên đường Nguyễn Hữu Cầu (Quận 1), góc đường Tô Hiến Thành - Cách mạng tháng Tám, chợ Hòa Hưng (Quận 10) hay tại chợ An Đông (Quận 5)… chỉ còn vàng trang sức, vàng cưới, không có vàng nhẫn và vàng miếng. Tiệm vàng nào có tiền công rẻ, thu mua giá cao khá đông khách, ngược lại thì vắng…
Trước hiện tượng giao dịch vàng nhẫn tăng mạnh, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, việc mua vàng tích lũy chính đáng hoàn toàn tốt nhưng không nên quá lo lắng chạy theo đám đông, đổ xô mua vàng mất kiểm soát. Điều này, vô hình đẩy giá vàng lên cao, tạo thị trường vàng nóng lên đột ngột có thể làm ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ nói riêng. Chính phủ có đủ điều kiện, năng lực, đủ khả năng và chính sách để can thiệp khi thật sự cần thiết…
Theo Tiến sỹ Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, giá vàng trong nước tăng cao không hẳn là do ảnh hưởng từ tình hình chính trị, kinh tế của thế giới. Hiện lãi suất tiết kiệm giảm, bất động sản và chứng khoán chưa ổn định nên nhiều người chọn đầu tư vàng... Vàng vốn được xem là kênh đầu tư an toàn, kể cả những lúc khủng hoảng, lạm phát cũng như sự mất giá của tiền tệ. Đối với Việt Nam, vàng không có vai trò quá quan trọng trong các hoạt động của nền kinh tế. Vì thế, dù giá vàng trên thế giới vừa qua có những thời điểm nhảy lên rất cao, tại Việt Nam giá trị vàng tăng cũng chỉ tăng dần và có sự độc lập tương đối so với giá thế giới...