Cụ thể: Giá vàng SJC tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng mua vào – bán ra là 78,70 – 80,72 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng bán ra so với chiều 4/3. Khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra vẫn cao là 2,02 triệu đồng/lượng.
Trước đó, vào lúc 9 giờ 30 phút sáng 5/3, giá vàng SJC mua vào - bán ra tại Doji là 78,85 - 80,85 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng ở cả hai chiều so với chốt phiên 4/3.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 78,9 - 80,92 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng mua vào và bán ra so với chốt phiên 4/3.
Giá vàng nhẫn cũng tiếp tục tăng. Tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 67,38 - 68,58 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 600.000 đồng/lượng mua vào và bán ra so với chốt phiên 4/3.
Trước diễn biến tăng liên tiếp của giá vàng SJC, chuyên gia tài chính, ông Nguyễn An Huy, Tổ trưởng Tổ tư vấn Tài chính cá nhân tại CTCP Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT khuyến cáo: Nhà đầu tư nên hạn chế “lướt sóng” vàng vì chênh lệch giá mua bán đang rất lớn.
“Nếu các nhà đầu tư vẫn tự tin về khả năng dự báo giá vàng của mình và quyết định muốn ‘lướt sóng’ vàng, tôi vẫn khuyên nhà đầu tư nên lướt sóng trên vàng nhẫn trơn 9999 hơn là lướt sóng vàng miếng SJC. Xét về lợi nhuận và rủi ro, trong khi vàng nhẫn trơn 9999 chỉ có rủi ro liên quan đến sự biến động của giá vàng thế giới, vàng miếng SJC chịu sự ảnh hưởng của biến động giá vàng thế giới và sự thay đổi về chính sách quản lý thị trường vàng khi Nghị định 24/2012 được sửa đổi”, chuyên gia An Huy cho biết.