Thêm vào đó, việc thị trường tài chính lo ngại về sự sụp đổ trong lĩnh vực ngân hàng sau khi tập đoàn tài chính SVB Financial Group chính thức phá sản đã làm "lu mờ" báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ và khiến dòng tiền trú ẩn an toàn đổ vào kim loại quý.
Các số liệu kinh tế kém khả quan và nhận định từ Chủ tịch chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại San Francisco, Mary Daly, rằng ngân hàng này cần tăng lãi suất lên cao hơn và duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn để kiểm soát đà tăng giá, đã khiến thị trường vàng trầm lắng trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 6/3).
Phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện rằng Fed có thể tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn càng củng cố thêm triển vọng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ và đẩy giá vàng mất hơn 1% trong phiên giao dịch liền sau đó. Thậm chí, ông Powell còn khẳng định sẵn sàng thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn nếu “toàn bộ” các báo cáo sắp tới cho thấy cần có các biện pháp cứng rắn để kiểm soát lạm phát.
Mặc dù vàng được biết đến như một biện pháp phòng ngừa lạm phát, nhưng lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này. Bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Thị trường vàng tiếp tục lình xình và giao dịch gần mức thấp nhất trong một tuần trong phiên 8/3, khi đồng USD lên gần mức cao nhất trong nhiều tháng. Tuy nhiên, giá vàng đã phục hồi ấn tượng vào hai phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 9-10/3).
Bộ Lao động Mỹ ngày 9/3 công bố báo cáo cho thấy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này trong tuần kết thúc ngày 4/3 tăng 21.000, lên 211.000. Đây là lần đầu tiên trong 8 tuần con số này vượt mức 200.000 và điều này đã hỗ trợ giá vàng.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 10/3, giá vàng giao ngay tăng 1,8% lên 1,863,46 USD/oounce, mức cao nhất kể từ ngày 14/2/2023. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cũng tăng 1,8%, lên 1.867,20 USD/ounce.
Những rắc rối của Silicon Valley Bank (SVB), một ngân hàng Mỹ chuyên cho vay trong lĩnh vực công nghệ, lan tràn khắp các thị trường toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, qua đó làm tăng nhu cầu vàng vốn thường được xem là một trú ẩn an toàn trong những thời điểm bất ổn. Ngày 10/3, SVB đã tuyên bố phá sản - động thái làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu và làm hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư bị "mắc kẹt". SVB sụp đổ sau khi khách hàng đổ xô tới rút tiền trong tuần này do lo lắng về tình trạng tài chính của ngân hàng này. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính. Trước đó, SVB đã tiến hành bán số cổ phần trị giá 1,75 tỷ USD để củng cố bảng cân đối kế toán do tiền gửi giảm từ các công ty khởi nghiệp đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn.
Vàng, vốn không sinh lời, được hưởng lợi khi lợi suất trái phiếu giảm trong bối cảnh thị trường tài chính bất ổn và sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ cho thấy tiền lương mỗi giờ tăng thấp hơn so với dự kiến trong tháng trước. Điều đó đã mang lại hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bớt quyết liệt hơn trong lộ trình nâng lãi suất, mặc dù số việc làm vẫn tăng mạnh.
Ngày 10/3, Bộ Lao động Mỹ đã công bố báo cáo việc làm hàng tháng, theo đó tăng trưởng việc làm của nền kinh tế số một thế giới tiếp tục mạnh mẽ trong tháng 2, trong khi tăng trưởng tiền lương chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tạo thêm 311.000 việc làm trong tháng Hai vừa qua. Dữ liệu của tháng Một cũng được điều chỉnh thấp hơn với 504.000 việc làm được tạo thêm thay cho con số 517.000 được báo cáo trước đó. Tuy nhiên, tăng trưởng việc làm không diễn ra ở nhiều lĩnh vực như những tháng trước, với chỉ 56% số ngành tạo thêm việc làm, giảm so với 68% trong tháng Hai và là tỷ lệ thấp nhất kể từ tháng 4/2020, thời điểm các biện pháp phong tỏa được áp dụng để kiềm chế đại dịch COVID-19.
Jim Wyckoff, chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco Metals, cho biết: “Thị trường có tâm lý e ngại rủi ro khi khép lại tuần giao dịch, và điều đó có thể thúc đẩy một số nhu cầu trú ẩn an toàn đối với kim loại quý”.
Như vậy, giá vàng ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp.
Cùng ngày, giá bạc giao ngay tăng 1,9% lên 20,445 USD/ounce, nhưng vẫn tiếp tục giảm 3,7% trong cả tuần. Giá bạch kim tăng 1,3% lên 956,95 USD/ounce, trong khi giá palladium giảm 1% xuống 1.375,12 USD/ounce. Cả hai kim loại quý này đều giảm chung trong tuần này.