Chiều 21/10, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.620,60 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 28/9. Giá kim loại quý này đã giảm 1,3% từ đầu tuần đến nay. Giá vàng kỳ hạn Mỹ đã mất 0,8% xuống 1.624,20 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã leo lên mức đỉnh mới kể từ tháng 6/2008, còn chỉ số đồng USD tăng 0,2%, làm giảm nhu cầu vàng, vốn được giao dịch bằng đồng bạc xanh, từ các khách hàng nước ngoài.
Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, cho biết giá vàng có thể sẽ tiếp tục giảm vì “Fed mới chỉ thực hiện được một nửa chu kỳ thắt chặt tiền tệ và có rất nhiều dư địa để tăng lãi suất.
Mặc dù vàng được xem là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ lạm phát và bất ổn kinh tế, song lãi suất của Mỹ cao làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia Patrick Harker ngày 21/10 cho hay Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong một khoảng thời gian nữa, qua đó củng cố thêm đồn đoán gần đây của thị trường.
Một yếu tố khác cho thấy sẽ có một đợt tăng lãi suất quy mô lớn vào tháng tới đó là số liệu ngày 20/10 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đã giảm trong tuần trước.
Sugandha Sachdeva, Phó giám đốc công ty nghiên cứu tiền tệ và hàng hóa Religare Broking, nhận định hầu hết các cơn gió ngược đã được tính đến, giá vàng có thể giao dịch trong khoảng 1.580 - 1.620 USD/ounce. Theo bà Sachdeva, Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất sau cuộc họp tháng 11/2022 do tác động của chi phí đi vay tăng lên nền kinh tế xuất hiện và điều đó có thể hỗ trợ phần nào cho giá vàng.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,9% xuống 18,50 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,6% xuống 908,17 USD/ounce, còn giá palladium giảm 0,5% xuống 2.048,39 USD/ounce.
Giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,3 - 67,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.