Phiên 26/11, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.815,30 USD/ounce vào lúc 14 giờ 48 phút (theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,4% lên mức 1.812,70 USD/ounce.
Ông Harshal Barot, nhà nghiên cứu cao cấp về thị trường Nam Á tại công ty tư vấn Metals Focus cho biết tâm lý ưa thích các kênh rủi ro gia tăng vì sự lạc quan về những tiến triển trong việc phát triển vắc-xin ngừa COVID-19. Đó là những điều kiện bất lợi cho thị trường vàng.
Nhưng vì đồng USD tiếp tục suy yếu, giá vàng vẫn nhận được một chút hỗ trợ. Phiên này, chỉ số USD - “thước đo sức khỏe” của đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác - đã giảm 0,1% và củng cố sức hấp dẫn của vàng đối với các nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác.
Chuyên gia Barot cho biết vàng sẽ nhận được hỗ trợ ở mức 1.795 USD/ounce và có khả năng giá kim loại quý này sẽ đi ngang trong ngắn hạn, cho đến khi phá vỡ được ngưỡng 1.850 USD/ounce.
Trong một báo cáo ngắn mới đây, ngân hàng ANZ cho biết giá vàng sẽ còn được hỗ trợ nhờ xu hướng chính sách thận trọng của các ngân hàng trung ương, tình trạng chưa có vắc-xin phố biến cho đến nửa cuối năm 2021 và đồng USD suy yếu. Ngân hàng này đồng thời duy trì mục tiêu giá vàng trong 12 tháng tới là 2.100 USD/ounce.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 0,6% lên 23,44 USD/ounce, còn giá bạch kim tăng 0,3% lên 966,74 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, kết ngày thúc phiên 26/11, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 54,50 - 55,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu châu Á giảm nhẹ
Giá dầu châu Á chấm dứt đà tăng trong phiên chiều 26/11 dù lượng dầu dự trữ của Mỹ bất ngờ giảm, qua đó tăng thêm kỳ vọng về những tiến bộ trong phát triển vaccine ngừa COVID-19 có thể chấm dứt đại dịch và giúp phục hồi nhu cầu nhiên liệu.
Sau khi tăng trong hầu hết phiên giao dịch trên thị trường châu Á, giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm 1 xu Mỹ xuống 48,60 USD/thùng vào lúc 14 giờ 46 phút (theo giờ Việt Nam). Trong phiên trước đó, giá loại dầu này đã tăng khoảng 1,6%.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 4 xu Mỹ xuống 45,67 USD/thùng sau khi đạt mức cao 46,09 USD/ounce và tăng 1,8% trong phiên 25/11.
Báo cáo mới nhất cho thấy kho dự trữ dầu của Mỹ đã giảm 754.000 thùng trong tuần trước, trái ngược với dự báo tăng 127.000 thùng do các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters đưa ra.
Tuy nhiên, nhu cầu xăng tại Mỹ trong cùng giai đoạn đã giảm 128.000 thùng/ngày xuống 8,13 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 6 tới nay.
Ông Avtar Sandu, Cố vấn cấp cao về thị trường hàng hóa của công ty môi giới đầu tư Phillip Futures, cho biết bất chấp một số yếu tố cơ bản mạnh mẽ tác động đến thị trường, đặc biệt là thông tin lạc quan xung quanh việc phát triển vaccine ngừa COVID-19, những lo ngại về xu hướng giảm giá vẫn còn.
Theo ông Sandu, việc nhiều chính phủ phải áp đặt giãn cách xã hội khi tình hình dịch COVID-19 tồi tệ hơn, cùng với số lượng giàn khoan được sử dụng tại Mỹ và sản lượng khai thác gia tăng ở Libya là những yếu tố rủi ro đối với đà tăng của thị trường dầu mỏ.
Dù có giảm nhẹ trong phiên 26/11, tính đến thời điểm hiện tại, cả hai loại dầu tiêu chuẩn trên vẫn tăng khoảng 8% sau khi AstraZeneca hồi đầu tuần thông báo rằng vắc-xin ngừa COVID-19 của họ có thể đạt hiệu quả lên đến 90%.