Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.883,48 USD/ounce vào lúc 14 giờ 27 phút (giờ Việt Nam), ghi dấu mức cao nhất kể từ đầu tháng 5/2022. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,5% lên 1.885,90 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – phiên này giảm 0,1%, giúp vàng thỏi được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Ông Ilya Spivak, trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô toàn cầu tại nền tảng giao dịch trực tuyến Tastytlive đánh giá vàng có vẻ đang củng cố giá trong một phạm vi nhất định, khi trọng tâm chú ý của thị trường chuyển sang Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ dự kiến được công bố vào thứ Năm (12/1 giờ địa phương).
Trong khi đó, Thống đốc Fed Michelle Bowman hôm 10/1 cho biết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phải tăng lãi suất lên cao hơn nữa để chống lại lạm phát. Điều đó có thể sẽ dẫn đến điều kiện thị trường việc làm yếu hơn.
Chuyên gia Spivak nhận định nếu số liệu cho thấy lạm phát tăng nhẹ hơn, giá vàng có thể vượt lên trên mức 1.900 USD/ounce. Tuy nhiên, vẫn cần chờ xem liệu vàng có thể tăng mạnh hơn thế hay không.
Vàng thường được coi là một công cụ phòng ngừa lạm phát, cũng như một kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh xuất hiện nhiều bất ổn về chính trị và tài chính. Nhưng kim loại quý này rất nhạy cảm với lãi suất. Bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,2% lên 23,89 USD/ounce còn giá bạch kim tăng 0,7% lên 1.088,00 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 15 phút ngày 11/1, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,20 - 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).