Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa vẫn có sự ổn định, như: lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.700 đồng/kg; riêng IR 50404 là 6.400 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, một số loại lúa giá vẫn giữ ổn định như: ST 24 có giá là 8.500 đồng/kg, Đài thơm 8 là 6.900 đồng/kg; riêng OM 5451 là 6.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Riêng tại Hậu Giang giá lúa tiếp tục ghi nhận sự giảm giá so với tuần trước như: IR 50404 là 6.100 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; RVT là 8.400 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; OM 18 là 6.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.
Tại Trà Vinh, cũng ghi nhận sự giảm giá ở một số loại lúa như: OM 5451 là 6.600 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg, IR 50404 là 6.450 đồng/kg, giảm 150 đồng/kg.
Tại Bến Tre, giá lúa lại không có sự thay đổi, như: IR 50404 là 5.800 đồng/kg; OM 6976 là 5.900 đồng/kg; nhưng OM4218 là 6.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá các loại lúa vẫn ổn định như: lúa Nhật từ 8.000-8.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 từ 5.800-6.100 đồng/kg, OM 5451 từ 5.600-5.700 đồng/kg; OM 18 từ 5.800-5.900 đồng/kg. IR 50404 ở mức từ 5.500-5.600 đồng/kg; riêng Đài thơm 8 từ 5.700-5.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, Sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg, Nàng Hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thường 11.500-12.500 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Hè Thu 2022 ở các tỉnh Nam Bộ, tính đến đầu tháng 6, toàn vùng đã gieo cấy được 1.468.843 ha/ 1.610.784 ha, đạt 91,19% so với kế hoạch. Vụ Thu Đông - Mùa, toàn vùng đã xuống giống được 26.877 ha chủ yếu giai đoạn mạ.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương chuẩn bị xuống giống lúa Thu Đông - Mùa 2022 theo dõi sát diễn biến rầy vào đèn tại địa phương để xuống giống “né rầy” đạt hiệu quả cao.
Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông có thể tiếp tục gia tăng diện tích nhiễm giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ, nhất là những ruộng gieo trồng giống nhiễm, sạ dày, bón thừa phân đạm.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn ổn định ở mức từ 420-425 USD/tấn.
Một thương lái tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn cung trong nước đang tăng nhờ sản lượng từ vụ thu hoạch Hè Thu. Tuy nhiên, nhu cầu cũng đang tăng lên, đặc biệt là từ những khách hàng châu Á và châu Phi.
Xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian từ tháng 1-5/2022 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tiếp tục tăng trong tuần này nhờ nhu cầu mạnh và lo ngại rằng nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới này có thể hạn chế vận chuyển.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được bán ở mức từ từ 357 -362 USD/tấn trong tuần này, so với mức từ 355-360 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam nước này cho biết nhu cầu gạo 100% tấm cũng như gạo 5% tấm đang rất lớn. Các thương nhân đang suy đoán rằng Ấn Độ có thể đưa ra các hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu.
Lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ bất ngờ của Ấn Độ đã khiến các nhà kinh doanh gạo tăng cường mua và đặt các đơn đặt hàng bất thường để giao hàng dần.
Tuy nhiên, các nguồn tin thương mại và chính phủ cho biết Ấn Độ không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu ngũ cốc vì đã có đủ dự trữ và tỷ giá nội địa thấp hơn giá hỗ trợ do nhà nước ấn định.
Trong khi đó, nước láng giềng Bangladesh sẽ cho phép các thương nhân tư nhân nhập khẩu gạo vì giá nội địa đã tăng hơn 5% trong một tuần mặc dù cho mùa màng bội thu và lượng dự trữ đầy đủ. Chính phủ cũng đang hạn chế việc tích trữ.
Bangladesh, nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, thường nhập khẩu ngũ cốc để giảm bớt tình trạng thiếu hụt sau lũ lụt và hạn hán.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức từ 450-460 USD/tấn so với từ 455-460 USD/tấn trong tuần trước.
Một thương nhân tại Bangkok cho biết có một số nhu cầu về xuất khẩu nhưng không có giao dịch lớn nào cho đến nay. Một thương nhân khác cho biết nguồn cung vẫn dồi dào, và các vụ mùa mới dự kiến bắt đầu vào khoảng tháng 7-8/2022.
Một thương nhân khác cho biết việc Philippines gia hạn cắt giảm thuế nhập khẩu gạo vào đầu tuần này cũng là một tín hiệu tích cực cho các nhà xuất khẩu.
Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch ngày 10/6, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ, CBOT) đi ngược chiều nhau, với giá ngô tăng nhẹ, còn đậu tương và lúa mỳ giảm.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2022 tăng 0,25 xu Mỹ (0,03%) lên 7,7325 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 0,5 xu Mỹ (0,05%) xuống 10,7075 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 7/2022 giảm 23,5 xu Mỹ (1,33%) xuống 17,455 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Báo cáo Ước tính Nguồn cung và Nhu cầu Nông nghiệp Thế giới (WASDE) tháng Sáu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy trong niên vụ 2022-2023, dự trữ ngô đã tăng từ 1.360 triệu bushel trong tháng 5/2022 lên 1.400 triệu bushel trong tháng/2022 và dự trữ lúa mỳ tăng từ 619 triệu bushel lên 627 triệu bushel.
Báo cáo này cũng cho thấy xuất khẩu ngô từ vụ cũ của Mỹ đã giảm khoảng 50 triệu bushel, trong khi tiêu thụ ngô từ vụ mới tăng khoảng 5 triệu bushel. Xuất khẩu đậu tương từ vụ cũ đã tăng khoảng 30 triệu bushel, nhưng dự trữ đậu tương cho niên vụ 2022-2023 giảm khoảng 30 triệu bushel xuống 280 triệu bushel do dự trữ đầu vụ giảm.
Hoạt động giao dịch lúa mỳ trên thế giới giai đoạn 2022-2023 không đổi ở mức 205 triệu tấn, so với mức 199 triệu tấn dự kiến trong giai đoạn 2021-2022. Giao dịch đậu tương trong cùng giai đoạn trên ở mức 170 triệu tấn, so với mức 156 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022. Trong niên vụ 2022-2023, giao dịch ngô trên thế giới dự kiến sẽ giảm 13 triệu tấn xuống 183 triệu tấn.
Thị trường tiền tệ và tình hình thời tiết ở Bắc bán cầu sẽ tiếp tục chi phối thị trường nông sản Mỹ trong thời gian tới khi thị trường “phớt lờ” số liệu của USDA.
Thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London kéo dài chuỗi giảm lên phiên thứ năm. Giá cà phê Robusta giao tháng 7/2022 giảm 16 USD xuống 2.077 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 9/2022 giảm 13 USD xuống 2.095 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York cùng xu hướng giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2022 giảm 5,75 xu Mỹ xuống 228,90 xu Mỹ/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 9/2022 giảm 6 xu Mỹ xuống 238,80 xu Mỹ/lb (1lb=0,45 kg).
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm từ 200 - 300 đồng, xuống dao dộng trong khung 40.800 - 41.300 đồng/kg. Giá cà phê kỳ hạn tại New York sụt giảm trở lại do hoạt động thanh lý của nhà đầu cơ trước ngày kết thúc hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 7/2022 vào tuần tới.
Theo Barchart.com, lo ngại rủi ro tăng cao hơn khi báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 của Mỹ, được coi là thước đo sức khỏe của nền kinh tế hàng đầu thế giới, ở mức cao hơn so với thị trường dự đoán, cho thấy lạm phát ngày càng nghiêm trọng.
Điều này dẫn tới khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác sẽ thắt chặt các chính sách tiền tệ và nâng mức lãi suất cơ bản để ngăn chặn lạm phát vượt mức, kéo theo đó là hoạt động bán tháo hàng hóa trên diện rộng kết hợp với áp lực của chỉ số đồng USD gia tăng.
Giá cà phê kỳ hạn ở London kéo dài chuỗi giảm khi các báo cáo kinh tế cho thấy khu vực Eurozone đã có mức lạm phát rất cao sau khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng nổ đã gây ra khủng hoảng năng lượng sâu sắc, khiến Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) quyết định kể từ ngày 1/7 sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu và hủy bỏ mức lãi suất âm duy trì từ năm 2014 đến nay.
Theo tổng hợp của Saigon Futures, USDA dự báo tổng nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 sẽ đạt 168,432 triệu bao cà phê các loại, tăng 1,438 triệu bao (1 bao = 60kg), tức tăng 0,86% so với niên vụ 2021-2022 trước đó. Trong khi đó, lo ngại lạm phát toàn cầu tăng cao khiến mức thu nhập của người tiêu dùng thấp hơn sẽ dẫn tới mức tiêu thụ cà phê toàn cầu sụt giảm.