Chỉ số MXV-Index tăng 4 trên 5 ngày, chốt tuần với mức tăng 4,6% lên 2.261 điểm, cao nhất trong gần 2 tháng trở lại đây.
Bên cạnh đó, dòng tiền đầu tư đến thị trường cũng gia tăng mạnh mẽ, thể hiện qua giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt gần 5.000 tỷ đồng/phiên, cao hơn 16% so với tuần trước đó.
Lúa mì tăng gần 10%
Đóng góp quan trọng vào đà tăng mạnh của toàn thị trường hàng hoá phải kể đến nhóm nông sản khi tất cả các mặt hàng đồng loạt ghi nhận các mức tăng từ 4 – 9%. Trong đó, dầu đậu tương vẫn là mặt hàng dẫn dắt xu hướng, đóng cửa tăng 9,3%.
Theo sát, giá lúa mì cũng tăng vọt gần 9,2%. Lo ngại gián đoạn nguồn cung tại khu vực Biển Đen, kết hợp với tình trạng khô hạn tại nhiều quốc gia sản xuất chính, đã thúc đẩy giá lúa mì tăng đến 6 ngày trên tổng số 7 ngày giao dịch gần nhất.
Đà tăng được đẩy mạnh chủ yếu trong 2 phiên cuối tuần. Kể từ sau khi xu hướng suy yếu của lúa mì được hình thành trong gần 1 năm qua, đây là tuần có mức tăng đáng chú ý nhất.
Những rủi ro liên quan tới hoạt động xuất khẩu lúa mì tại Biển Đen vẫn tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho giá. Khả năng xuất khẩu một lần nữa gặp gián đoạn đã khiến giá lúa mì bật tăng.
Bên cạnh đó, các thông tin liên quan tới mùa vụ ở các nước sản xuất tại châu Âu cũng góp phần mở rộng mức tăng của giá mặt hàng này. Công ty tư vấn Strategie Grains đã hạ dự báo về sản lượng lúa mì năm nay của Liên minh châu Âu (EU) do tình trạng khô hạn ở Tây Ban Nha và Bắc Âu Strategie Grains dự báo sản lượng lúa mì mềm của EU niên vụ 23/24 ở mức 128,7 triệu tấn, giảm so với mức 130,0 triệu tấn dự báo hồi tháng 05.
Tại Tây Ban Nha, nơi bị ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng trong năm nay, vụ thu hoạch lúa mì được dự báo sẽ đạt "mức thấp lịch sử”. Còn tại Pháp, văn phòng nông nghiệp FranceAgriMer cho biết chất lượng lúa mì mềm của nước này giảm trong tuần thứ 3 liên tiếp do hạn hán kéo dài.
Cụ thể, FranceAgriMer ước tính 85% diện tích lúa mì mềm của Pháp đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần trước, giảm 3% so với tuần trước đó. Thời tiết khô hạn kể từ cuối tháng 05 ở phía bắc nước Pháp, kết hợp với nhiệt độ ngày càng tăng cao, đã dấy lên lo ngại về viễn cảnh hạn hán sẽ tái diễn và ảnh hưởng tới vụ mùa của quốc gia này.
Dầu thô phục hồi sau 2 tuần giảm liên tiếp
Kết thúc tuần giao dịch ngày 12/06 – 18/06, giá dầu phục hồi sau 2 tuần giảm liên tiếp trước đó, được hỗ trợ bởi cả các yếu tố cơ bản về cung cầu, và bối cảnh kinh tế vĩ mô khởi sắc. Giá dầu WTI chốt tuần tại mức giá 71,78 USD/thùng, tăng 2,29%. Giá dầu Brent tăng 2,43% lên mức 76,61 USD/thùng.
Báo cáo thị trường dầu thô của các tổ chức lớn phát hành trong tuần qua đều cho thấy rủi ro thâm hụt nguồn cung trong quý III năm nay. Điều này đã hỗ trợ đáng kể cho đà phục hồi của giá dầu.
Theo báo cáo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sản lượng dầu thô của nhóm đạt trung bình 28 triệu thùng, giảm mạnh 464.000 thùng/ngày so với tháng 4, sau khi Saudi Arabia thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện. Sản lượng của quốc gia thủ lĩnh nhóm đã giảm hơn 500.000 thùng/ngày, đúng với cam kết đặt ra.
Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô thế giới năm 2023 thêm 200.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 102,3 triệu thùng/ngày, chủ yếu do vai trò tiêu thụ từ Trung Quốc. Báo cáo của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cũng cho biết, thông lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 62 triệu tấn, mức cao thứ 2 được ghi nhận, chỉ sau tháng 3 năm nay.
IEA cũng điều chỉnh mức thâm hụt nguồn cung trong năm nay thêm 230.000 thùng/ngày so với báo cáo tháng 5, lên mức 1 triệu thùng/ngày. Giá dầu đã được hỗ trợ đáng kể bởi lo ngại nguồn cung sụt giảm trong thời gian tới, đặc biệt là mùa tiêu thụ cao điểm.
Trong khi đó, dữ liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ giảm 8 xuống 687 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 16/06, mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2022, và là tuần giảm thứ 4 liên tiếp.
Về các yếu tố vĩ mô, tâm điểm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,00 – 5,25% sau những tín hiệu tích cực về lạm phát. So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 chỉ tăng nhẹ 0,1%, thấp hơn dự báo với mức tăng 0,2% và tăng chậm hơn đáng kể so với đà tăng 0,4% trong tháng 4. Tín hiệu tích cực hơn tại nền kinh tế Mỹ đã thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu.
Tại Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng gia tăng các biện pháp kích thích kinh tế, bằng cách cắt giảm lãi suất trung hạn 1 năm (MLF 1 năm) thêm 10 điểm cơ bản xuống còn 2,65% đối với các ngân hàng thương mại.
Kỳ vọng quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới Trung Quốc sẽ tiếp tục đón nhận các gói hỗ trợ kinh tế cũng góp phần giúp giá dầu kết tuần trong sắc xanh, nhất là khi nguồn cung có những dấu hiệu thu hẹp.
Thị trường hàng hóa dự kiến biến động mạnh trong tuần này
MXV nhận định, trong tuần này, thị trường vĩ mô sẽ tiếp tục kỳ vọng vào những biện pháp hỗ trợ kinh tế mới của Trung Quốc. Nhiều khả năng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) 1 năm và 5 năm, tức là các khoản vay tiêu dùng, đầu tư, hoặc vay thế chấp vào đầu tuần này, trong một động thái hỗ trợ nền kinh tế, kích thích tăng trưởng vốn đang tương đối chậm chạp. Đây có thể là tín hiệu tích cực giúp giá các nhóm mặt hàng như năng lượng và kim loại tiếp tục đà phục hồi.
Tuy nhiên, đà tăng có thể sẽ bị hạn chế bởi yếu tố vĩ mô từ nền kinh tế Mỹ. Hàng loạt các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phát biểu trong tuần này. Sau khi tạm dừng tăng lãi suất trong kỳ họp tuần trước và cảnh báo lãi suất có khả năng sẽ còn được nâng thêm 50 điểm cơ bản trong năm nay, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi động thái mới của Fed.
Nếu các quan chức Fed vẫn cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc kiểm soát lạm phát, giá năng lượng như dầu thô, hay kim loại cơ bản như đồng, vẫn có rủi ro gặp áp lực trong tuần này.
Trong khi đó, đối với thị trường nông sản, ngày hôm nay (19/6), toàn bộ các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu giao dịch liên thông với Sở Chicago sẽ đóng cửa nghỉ Lễ. Trong bối cảnh xu hướng giá hiện đang rất rõ ràng, thời điểm ngay khi mở cửa trở lại sau Lễ có thể tạo ra các khoảng biến động rất lớn. Do đó, nhà đầu tư cần rất thận trọng trong đầu tuần này.
MXV cũng cho biết, nhìn chung, yếu tố chủ yếu quyết định diễn biến giá nông sản tuần này vẫn sẽ là tình hình thời tiết. Nếu hạn hán tại khu vực gieo trồng chủ yếu của Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, giá nông sản, đặc biệt là ngô và đậu tương nhiều khả năng tiếp tục nhận hỗ trợ mạnh.