Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 2,85 USD (3,5%) lên 83,72 USD/thùng, mức đóng phiên cao nhất kể từ đầu tháng 11/2021. Giá loại dầu này đã giảm 1% trong phiên đầu tuần 10/1.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 2,99 USD (3,8%) lên 81,22 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2021. Giá loại dầu này đã giảm 0,8% trong phiên 10/1.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đưa dự báo rằng tác động kinh tế của biến thể Omicron sẽ chỉ trong ngắn hạn, đồng thời nói thêm rằng tình hình kinh tế các quý tiếp theo có thể rất tích cực sau khi sự gia tăng ca mắc liên quan đến biến thể này giảm xuống.
Giá dầu Brent đã tăng 50% trong năm 2021 và tiếp tục tăng vào năm 2022 trong bối cảnh nhu cầu đã phục hồi về mức gần trước đại dịch, trong khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, dần dần nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục được thực hiện vào năm 2020.
Tình trạng mất điện gần đây ở Libya cũng làm tăng giá dầu, và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia nước này thông báo đang tạm ngừng xuất khẩu từ cảng Es Sider.
Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu từ Viện Xăng Dầu Mỹ (API), lượng dầu thô trong các kho dự trữ của Mỹ đã giảm khoảng 1,1 triệu thùng trong tuần trước, thấp hơn ước tính giảm 2 triệu thùng trong một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh). Dữ liệu chính thức về dự trữ dầu của Chính phủ Mỹ sẽ được công bố vào ngày 12/1.
Dữ liệu của Euroilstock cho thấy dự trữ các sản phẩm dầu và dầu thô của các nhà máy lọc dầu châu Âu trong tháng 12/2021 đã giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm trước đó. Đồng thời, tỷ suất lọc nhiên liệu máy bay của châu Âu đã trở lại mức trước đại dịch giữa bối cảnh hoạt động hàng không toàn cầu phục hồi bất chấp sự lây lan của biến thể Omicron.