Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu thế giới lại gia tăng, một phần nhờ những nỗ lực kích thích kinh tế của Trung Quốc đã xoa dịu những lo ngại về tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Số liệu từ Chính phủ Mỹ cũng cho thấy lượng dầu thô dự trữ trong nước tăng ít hơn dự đoán, trong khi lượng dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất đều giảm.
Khép lại phiên 21/2, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Tư giảm 50 xu Mỹ, hay 90%, xuống còn 53,38 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 81 xu Mỹ, hay 1,4%, và đóng phiên ở mức 58,5 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 2%, còn giá dầu Brent tăng 2,1%.
Tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) ngày 21/2 trích các nguồn thông tin cho biết, Saudi Arabia đang xem xét rút khỏi liên minh suốt bốn năm qua với Nga về khai thác dầu mỏ, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu sụt giảm do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Trung Quốc.
Theo WSJ, đại diện của Saudi Arabia, Kuwait và Các tiểu Vương quốc A-rập Thống Nhất (UAE) sẽ hội đàm để bàn về việc giảm sản lượng dầu thêm 300.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, phát biểu với hãng tin Reuters, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cũng là Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia, đã bác bỏ thông tin Saudi Arabia đang xem xét rút khỏi liên minh với Nga.
Dự kiến cuộc họp của đại diện các quốc gia tham gia thỏa thuận giảm sản lượng khai thác dầu trong khuôn khổ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối này (gọi là nhóm OPEC+) sẽ diễn ra vào ngày 5-6/3.
Trong khi dịch COVID-19 làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu dầu thô toàn cầu, giới phân tích cho biết những diễn biến tích cực về mặt cung như tình hình xung đột ở Libya và áp lực đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Venezuela có thể hỗ trợ cho giá “vàng đen”.