Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 39 xu Mỹ xuống 72,22 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng lùi 40 xu Mỹ xuống 68,89 USD/thùng.
Tập đoàn dầu khí nhà nước Saudi Aramco mới đây đã thông báo với khách hàng rằng họ sẽ giảm giá bán chính thức tối thiểu 1 USD/thùng trong tháng 10/2021 đối với tất cả các loại dầu thô bán cho châu Á, khu vực khách hàng lớn nhất của họ.
Đây là mức giảm lớn hơn so với kết quả cuộc thăm dò các nhà máy lọc dầu châu Á của hãng tin Reuters.
Ông Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu bộ phận phân tích thị trường dầu tại công ty môi giới đầu tư Rystad Energy, cho biết, khi “gã khổng lồ” Saudi Arabia giảm giá bán sang các thị trường châu Á trong tháng Mười, điều báo hiệu rằng quốc gia Vùng Vịnh nhận thấy mối quan hệ cung cầu đang có những thay đổi. Vì vậy, các nhà giao dịch không thể không đi theo xu hướng đó trong phiên này.
Nguồn cung dầu toàn cầu đang tăng lên khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn được gọi là nhóm OPEC+) đang nâng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng trong khoảng thời gian từ tháng 8 – 12/2021.
Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty môi giới OANDA, nhận định giá dầu có khả năng vẫn chịu áp lực trong giai đoạn tới do OPEC+ duy trì kế hoạch tăng sản lượng hàng tháng, bất chấp dữ liệu yếu từ Trung Quốc và Mỹ làm gia tăng lo ngại suy thoái tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dù vậy, đà giảm của ”vàng đen” được giới hạn phần nào nhờ lo ngại rằng nguồn cung của Mỹ sẽ vẫn bị hạn chế sau cơn bão Ida.
Giới chức Mỹ cho hay hoạt động sản xuất khoảng 1,5 triệu thùng dầu/ngày ở Vịnh Mexico vẫn bị gián đoạn sau bão. Tương tự, bão Ida cũng khiến các công ty năng lượng Mỹ phải cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên lần đầu tiên trong năm tuần. Số liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu tại Mỹ hồi tuần trước giảm nhiều nhất kể từ tháng 6/2020.