Quan ngại về nguy cơ nhu cầu tiêu thụ chững lại do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cũng như những đồn đoán về việc Nga vẫn là trở ngại trong việc hướng tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh là yếu tố chính dẫn tới xu hướng này.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,30 USD lên 53,25 USD/thùng, sau khi có thời điểm trong phiên mặt hàng này tăng 3% lên 54,55 USD/thùng. Trong lúc tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng tăng 0,39 USD lên 62,08 USD/thùng, rời khỏi mức cao 63,58 USD/thùng đạt được trong phiên.
Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí "đình chiến” về thương mại hồi cuối tuần qua trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở Buenos Aires (Argentina), song Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/12 tuyên bố nếu hai bên không thể giải quyết bất đồng, ông sẽ áp thuế trở lại đối với Bắc Kinh. Tuyên bố mới này khiến hoạt động bán tháo diễn ra trên thị trường và các chỉ số chính ở Phố Wall mất hơn 3%.
Giá dầu đi xuống trong vài tuần gần đây, do lo ngại về xung đột thương mại và triển vọng tăng trưởng kinh tế. Ngay sau khi Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí tạm hoãn việc áp các mức thuế mới trong cuộc gặp tại Argentina vào ngày 1/12, giá dầu đã bật tăng 4%.
Giới đầu tư đang tập trung vào cuộc họp tại Vienna (Áo) ngày 6/12 tới của OPEC và một số nhà sản xuất dầu mỏ lớn không thuộc tổ chức này, trong đó có Nga. Hiện Nga vẫn phản đối việc cắt giảm sản lượng và trở thành rào cản lớn nhất trong nỗ lực của OPEC hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, việc chính quyền tỉnh Alberta (Canada) mới đây thông báo sẽ cắt giảm sản lượng 325.000 thùng/ngày để giảm bớt tình trạng dư cung đã góp phần hỗ trợ giá “vàng đen”.
Hiện vấn đề tồn tại lớn nhất của OPEC là sự gia tăng sản lượng của Mỹ, với mức tăng khoảng 2 triệu thùng trong vòng một năm nay và đã leo lên mức 11,5 triệu thùng/ngày.