Giá dầu đi xuống ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 21/11), thậm chí có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng, sau khi Thời báo Phố Wall đưa tin Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn được gọi là OPEC+, sẽ xem xét mức tăng sản lượng lên tới 500.000 thùng/ngày tại cuộc họp của OPEC+ vào ngày 4/12.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu đã được hạn chế sau khi hãng thông tấn nhà nước SPA đưa tin Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman khẳng định vương quốc này vẫn kiên trì với chính sách cắt giảm sản lượng và không thảo luận về khả năng tăng sản lượng dầu với các nhà sản xuất dầu khác.
Điểm sáng duy nhất của thị trường trong tuần này là phiên 22/11, khi thị trường hướng sự chú ý tới diễn biến nguồn cung từ OPEC+, giữa lúc các thành viên chủ chốt của nhóm như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kuwait nhấn mạnh liên minh này hướng tới mục tiêu ổn định thị trường dầu mỏ, bác bỏ thông tin cho rằng đã có các cuộc thảo luận nhằm tăng sản lượng dầu mỏ tại cuộc họp sắp tới của OPEC+.
Thị trường “vàng đen” liên tiếp đi xuống trong ba phiên giao dịch còn lại của tuần. Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) xem xét việc áp mức giá trần khoảng 65-70 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, cao hơn mức giá thị trường hiện tại.
Theo giới quan sát, với các ước tính rằng chi phí sản xuất dầu tại Nga chỉ vào khoảng 20 USD/thùng, mức trần nêu trên vẫn sẽ mang lại lợi nhuận cho nước này và giúp ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho đến nay vẫn chưa đạt đồng thuận về trần giá đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga. Một số nước cho rằng đề xuất mức trần 65-70 USD/thùng của G7 được xem là quá thấp, trong khi một số nước cho rằng quá cao.
Đối với Ba Lan, Lithuania và Estonia, mức trần như vậy sẽ khiến Nga có quá nhiều lợi nhuận, do chi phí sản xuất khoảng 20 USD/thùng. Về phía nguồn cung, các nước các ngành vận tải biển lớn như Cyprus, Greece và Malta cho rằng mức đó là quá thấp.
Giá dầu đã giảm hai quý liên tiếp và cũng đang giảm trong quý IV năm nay. Mức giảm trong quý II và quý III là mạnh nhất kể từ đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/11, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,71 USD (tương đương 2%) xuống 83,63 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 1,66 USD (tương đương 2,1%) còn 76.28 USD/thùng.
Cả hai loại dầu này đều ghi nhận tuần sụt giảm thứ 3 liên tiếp sau khi chạm mức đáy 10 tháng trong tuần này. Dầu Brent giảm 4,6%, còn dầu WTI mất 4,7%.
Phil Flynn, chuyên gia phân tích tại Price Futures group, nhận định: “Do khối lượng giao dịch thấp sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn, nên đà tăng của giá dầu cũng bị ảnh hưởng phần nào”..
Cấu trúc thị trường của dầu Brent và dầu WTI cho thấy nhu cầu hiện tại đang yếu đi, với hiện tượng bù hoãn bán (backwardation), được xác định bởi chênh lệch giá giao ngay của hợp đồng cơ sở cao hơn giá giao dịch tại thị trường tương lai, đã suy yếu rõ rệt trong các phiên gần đây.
Đối với chênh lệch giá 2 tháng, cấu trúc của dầu Brent và dầu WTI thậm chí còn rơi vào tình trạng bù hoãn mua (contango) trong tuần này, ngụ ý cung đang vượt cầu với giá giao ngay của các hợp đồng cơ sở thấp hơn giá giao dịch tại thị trường tương lai.
Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày cao kỷ lục vào ngày 25/11, khi các thành phố trên cả nước tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển và các biện pháp kiềm chế khác để kiểm soát dịch bệnh bùng phát. Điều này đang bắt đầu ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu, với lưu lượng giao thông giảm và nhu cầu dầu thấp hơn khoảng 1 triệu thùng/ngày so với mức trung bình.
Hoạt động giao dịch được dự báo vẫn sẽ thận trọng trước khi có thoả thuận về mức trần giá dầu của Nga, dự kiến có hiệu lực vào ngày 5/12, khi các lệnh cấm của EU đối với dầu Nga bắt đầu, và trước khi OPEC+ tiến hành cuộc họp tiếp theo vào ngày 4/12 tới.