Đây là phản ứng của thị trường sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) điều chỉnh giảm dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu, đồng USD mạnh lên và sự thất vọng đối với kế hoạch kích thích kinh tế mới nhất của Trung Quốc.
Cụ thể, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 6 xu (0,1%) lên 71,89 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 8 xu (0,1%) lên 68,12 USD/thùng. Phiên 11/11, cả hai loại dầu trên đều đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 29/10/2024.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates nhận định thông thường, sau một đợt giảm mạnh, trong các phiên giao dịch tiếp theo, giá dầu sẽ phục hồi về mức giá trung bình của phiên hôm trước.
OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và năm 2025, đánh dấu lần điều chỉnh giảm thứ tư liên tiếp của tổ chức này. Động thái này phản ánh những thách thức mà OPEC và đồng minh còn gọi là OPEC+ đang phải đối mặt. Trong tháng này, OPEC+ đã hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu vào tháng 12/2024 khi giá dầu sụt giảm.
OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 1,82 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm so với mức dự báo tăng trưởng 1,93 triệu thùng/ngày của tháng trước. Tổ chức này cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2025 từ 1,64 triệu thùng/ngày xuống 1,54 triệu thùng/ngày.
Ông Harry Tchilinguirian, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Onyx Capital Group, cho rằng dự báo của OPEC về đà tăng trưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc không giống với dự báo của các tổ chức khác, vốn đã giảm dự báo về triển vọng của kinh tế Trung Quốc vào cuối năm 2024. Các nhà phân tích cho rằng kế hoạch kích thích của Trung Quốc vẫn chưa đủ để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn.