Theo đó, giá dầu Brent kỳ hạn chốt phiên ở mức 71,83 USD/thùng, giảm 2,04 USD (tương đương 2,76%). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kết thúc ở mức 68,04 USD/thùng, giảm 2,34 USD (3,32%).
Cả hai loại dầu chuẩn đều đã giảm giá hơn 2% vào phiên cuối tuần trước (8/11).
Ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Price Futures Group nhận định chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường. Việc ông Trump cam kết đẩy mạnh khai thác dầu mỏ trong nước đã làm giảm một số động lực đầu tư về dài hạn.
Trong khi đó tại Trung Quốc, dữ liệu công bố cuối tuần trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2024 tăng với tốc độ chậm nhất trong bốn tháng. Cùng với đó, chỉ số giá sản xuất, trong tháng 10/2024 giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 25 liên tiếp, ngay cả khi chính phủ đẩy mạnh các biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại.
Ông Achilleas Georgolopoulos, nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới XM nhận định số liệu lạm phát của Trung Quốc tiếp tục yếu làm dấy lên những lo ngại về động lực của kinh tế Trung Quốc cũng như nhu cầu năng lượng của nước này.
Càng tăng sức ép lên giá dầu là báo cáo cùng ngày của ngân hàng Bank of America (BofA) cho hay, nguồn cung dầu thô ngoài Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày vào năm 2025 và 900.000 thùng/ngày vào năm 2026.
Theo BofA, mức tăng trưởng đáng kể nguồn cung ngoài OPEC vào năm tới và gói kích thích kinh tế chưa thuyết phục của Trung Quốc có thể đồng nghĩa lượng dầu tồn kho sẽ tăng lên ngay cả khi OPEC+ (gồm OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối) không tăng sản lượng.
Trước đó vào cuối tháng 9/2024, OPEC+ cho biết sẽ tăng nguồn cung thêm 180.000 thùng/ngày vào tháng 12. Nhưng đầu tháng này, OPEC+ đã đạt được thỏa thuận hoãn việc tăng nguồn cung đến tháng 1/2025.