Sau khi tăng mạnh đầu tuần này do tình hình căng thẳng ở Trung Đông, giá dầu đã dao động quanh mức 85 USD/thùng, tăng khoảng 4% so với mức kết thúc tuần trước, bất chấp hoạt động bán ra chốt lời.
Trái ngược với xăng, mặt hàng có giá tương đối thấp trong thời gian gần đây trước dự đoán rằng giá tăng sẽ làm giảm nhu cầu, những hàng hóa mà nhu cầu có thể tăng lên do giá dầu cao đều đang tăng giá.
Giá đường thô kỳ hạn chốt phiên 10/10 tại New York ở mức 27,05 xu Mỹ/pound (1 pound = 0,454 kg), tăng 18% so với cuối tháng Sáu. Giá đường còn có thời điểm lên mức 27,62 xu Mỹ/pound trong phiên 19/9, mức cao nhất trong khoảng 12 năm qua.
Giá đường đã tăng lên cùng với giá dầu thô kể từ tháng Bảy, khi Saudi Arabia (A-rập Xê-út) và Nga quyết định gia hạn các kế hoạch cắt giảm nguồn cung. Theo Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ, khu vực phi thương mại, trong đó có các quỹ đầu tư, đang nắm giữ 239.240 hợp đồng đường thô kỳ hạn tính đến ngày 26/9, tăng 9% so với cuối tháng Sáu.
Những đồn đoán rằng giá dầu thô cao sẽ đẩy giá nhiên liệu đi lên và làm tăng nhu cầu ethanol, một loại nhiên liệu sinh học tương đối rẻ, đang thúc đẩy giá đường. Cả ethanol, vốn được trộn vào xăng cho ô tô, và đường thô đều được làm từ mía. Giới giao dịch hàng hóa lo ngại rằng sản lượng đường thô có thể giảm nếu các nước trồng mía chuyển một lượng lớn sản phẩm của mình sang sản xuất nhiên liệu ethanol sinh học.
Brazil và Ấn Độ, mỗi nước chiếm 20% sản lượng đường thô thế giới, đang có khả năng chi phối cán cân cung cầu trên thị trường này. Tính đến ngày 1/10, 49,54% sản lượng mía tại vùng Trung Nam Brazil, khu vực chiếm đến 90% sản lượng mía của nước này, được dùng để sản xuất đường thô, theo Hiệp hội năng lượng sinh học và ngành mía đường Brazil. Những khu vực này đang có kế hoạch chuyển trọng tâm sang ethanol.
Người đại diện của một công ty đường dự đoán nếu giá dầu thô vẫn ở mức cao, tỷ lệ mía được dùng cho sản xuất đường thô có thể giảm xuống dưới mức 40%, vì thế giá đường thô có thể tăng lên khoảng 30 xu Mỹ/pound.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết vì lý do môi trường, Ấn Độ đang nâng tỷ lệ ethanol trong xăng từ 9,3% trong tài khóa 2022 lên mức được dự đoán là 11,5% trong tài khóa 2023. Người đại diện của một công ty đường khác cho biết tỷ lệ trong thực tế thậm chí còn cao hơn, một phần vì sự cần thiết phải giảm lượng dầu thô tiêu thụ.
Tác động của giá dầu thô cao còn đang lan sang các các nguyên vật liệu công nghiệp. Giá cao su tự nhiên kỳ hạn, mặt hàng được dùng để sản xuất lốp xe và nhiều sản phẩm khác, đóng phiên 11/10 ở mức 236 yen (1,59 USD)/kg trên Sàn giao dịch Osaka, tăng 15% so với cuối tháng Sáu. Giá mặt hàng này đã có thời điểm lên mức 239 yen/kg vào đầu tháng Chín, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Giá cao su tổng hợp, được làm từ dầu thô, cũng đang tăng lên. Giá cao su butadiene kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lại Thượng Hải đã tăng hơn 10% kể từ cuối tháng Bảy. Giá giao ngay của naphtha, nguyên liệu thô của butadiene, hiện ở mức 668 USD/tấn, tăng hơn 30% kể từ cuối tháng Sáu.
Cao su tổng hợp và cao su tự nhiên chiếm tỷ trọng gần như bằng nhau trên thị trường cao su. Nhưng đại diện một công ty thương mại cao su cho biết nhiều nhà sản xuất đang tăng cường sử dụng cao su tự nhiên trong một số sản phẩm. Vì thế, có ý kiến cho rằng giá dầu thô tăng sẽ kéo nhu cầu cao su tự nhiên tăng lên.
Giá dầu thô cao còn làm gia tăng chi phí năng lượng. Giá nhôm kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London đã có thời điểm chạm mức cao nhất 5 tháng qua trong phiên 2/10. Quá trình sản xuất nhôm tiêu tốn rất nhiều điện, và giá dầu thô tăng được dự đoán sẽ đẩy giá khí tự nhiên đi lên, khiến chi phí điện tăng theo.
Giá nguyên vật liệu thô dùng trong một loạt các thành phẩm tăng cao có thể khiến tình trạng lạm phát cao kéo dài. Ông Tomomichi Akuta, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của công ty nghiên cứu và tư vấn Mitsubishi UFJ Research & Consulting, nhận định giá đường tăng có thể được chuyển sang giá các sản phẩm bánh kẹo và đồ uống, nhất là tại Mỹ, nơi có đà tăng trưởng tiền lương ổn định. Theo chuyên gia này, giá thực phẩm tăng có thể là một yếu tố khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng trở lại.