Giàn khoan dầu tại Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, đà tăng bị kìm hãm bởi những lo ngại rằng cuộc chiến thương mại có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giảm nhu cầu nhiên liệu.
Theo đó, giá dầu Brent kỳ hạn đóng cửa tăng 12 xu (tương đương 0,2%) lên 64,88 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) chốt phiên tăng 3 xu lên 61,53 USD/thùng.
Vào cuối ngày 11/4, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cấp miễn trừ đối với mức thuế quan cao áp dụng cho điện thoại thông minh, máy tính và một số mặt hàng điện tử khác phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc.
Sau đó vào ngày 13/4, Tổng thống Trump cho biết có kế hoạch công bố mức thuế quan đối với chất bán dẫn nhập khẩu trong tuần này.
Bên cạnh đó, số liệu công bố cùng ngày 14/4 cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 3/2025 đã phục hồi mạnh mẽ so với hai tháng trước đó và tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Yếu tố chính thúc đẩy hoạt động này bao gồm nguồn cung dầu từ Iran và sự phục hồi trong các chuyến hàng từ Nga.
Tuy nhiên, giá dầu Brent và WTI vẫn mất khoảng 10 USD/thùng kể từ đầu tháng. Những căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng khiến các nhà phân tích hạ dự báo giá dầu.
Trong báo cáo hàng tháng công bố hôm thứ Hai, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhận định nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2025, giảm 150.000 thùng/ngày so với dự báo tháng trước. Lý do được nêu ra bao gồm các hàng rào thuế quan thương mại.
Ngân hàng UBS đã giảm dự báo giá dầu Brent 12 USD xuống còn 68 USD/thùng, còn giá dầu WTI sẽ giao dịch ở mức 64 USD/thùng. JPMorgan cũng hạ dự báo giá dầu cho năm 2025 và năm tới, với lý do sản lượng cao hơn từ OPEC+ và nhu cầu yếu hơn.
Một yếu tố có khả năng hỗ trợ giá dầu là phát biểu hôm 11/4 của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright rằng chính phủ nước này có thể ngăn chặn xuất khẩu dầu của Iran. Đó là một phần trong kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm gây áp lực lên Tehran về chương trình hạt nhân.