Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 4,10 USD (4,1%) lên 105,09 USD/thùng, sau khi tăng 4,4% trong tuần trước, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 3,95 USD (4,2%) lên 97,01 USD/thùng, sau khi tăng 2,5% trong tuần trước.
Saudi Arabia, nhà sản xuất hàng đầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), tuần trước đã đưa ra khả năng cắt giảm sản lượng, trong bối cảnh nguồn cung từ Iran có thể gia tăng nếu nước này đạt được thỏa thuận hạt nhân với phương Tây.
Sugandha Sachdeva, Phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại công ty dịch vụ tài chính Religare Broking (Ấn Độ), nhận định giá dầu tăng cao hơn trước hy vọng OPEC và các đồng minh cắt giảm sản lượng để khôi phục sự cân bằng thị trường trước khả năng thỏa thuận hạt nhân Iran “hồi sinh”.
OPEC và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ nhóm họp để đưa ra chính sách sản lượng vào ngày 5/9 tới.
Bên cạnh đó, giá dầu còn nhận được hỗ trợ khi tình trạng bất ổn tại thủ đô của Libya vào cuối tuần làm dấy lên lo ngại rằng nước này có thể rơi vào một cuộc xung đột toàn diện và làm gián đoạn nguồn cung dầu.
Phiên này, đà tăng của giá dầu đã bị hạn chế giữa lúc đồng USD lên mức cao nhất trong 20 năm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đánh đi tín hiệu lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn để kiềm chế lạm phát.
Nhà phân tích Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Vương quốc Anh) cho rằng mặc dù đồng USD mạnh đã hạn chế đà tăng của giá dầu, song vấn đề cung không đủ cầu trên thị trường vẫn có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ xu hướng tăng giá cho “vàng đen”.
Giá dầu thô đã tăng mạnh trong năm nay, với giá dầu Brent gần mức cao kỷ lục 147 USD/thùng vào tháng Ba khi xung đột Nga-Ukraine làm trầm trọng thêm mối lo ngại về nguồn cung.