Giàn khoan dầu tại Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Đà phục hồi này nhờ vào yếu tố kỹ thuật và lực mua bắt đáy sau khi quyết định tăng sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đẩy giá dầu lao dốc trong phiên trước đó. Tuy nhiên, lo ngại về khả năng dư cung trên thị trường vẫn chưa giảm bớt.
Cụ thể, cuối phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 1,15 USD, lên mức 61,38 USD/thùng, ghi nhận phiên tăng đầu tiên sau sáu phiên giảm liên tiếp. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ tăng 1,11 USD, lên 58,24 USD/thùng.
Cả hai loại dầu đều đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 5/5, sau khi OPEC+ vào cuối tuần trước tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng dầu trong tháng thứ hai liên tiếp.
Ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG, nhận định rằng đợt phục hồi nhẹ của giá dầu phiên này có vẻ xuất phát từ yếu tố kỹ thuật hơn là yếu tố cơ bản. Theo ông, những trở ngại lớn như thay đổi chiến lược sản xuất của OPEC+, nhu cầu tiêu thụ không chắc chắn do rủi ro thuế quan từ Mỹ, và việc hạ dự báo giá dầu tiếp tục tạo áp lực lên xu hướng giá chung.
Do kỳ vọng nguồn cung sẽ vượt cầu, giá dầu đã giảm hơn 10% trong sáu phiên liên tiếp trước đó và mất hơn 20% kể từ tháng 4/2025, khi các biện pháp thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump làm dấy lên lo ngại về đà chững lại của kinh tế toàn cầu.
Việc Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - quay lại thị trường sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày từ 1/5 được cho là một yếu tố hỗ trợ giá trong phiên 6/5.
Một yếu tố hỗ trợ khác là số liệu cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - đã tăng trưởng trở lại trong tháng 4, nhờ số lượng đơn hàng gia tăng.
Viện Quản lý Cung ứng (ISM) hôm 5/5 cho biết, chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tăng lên 51,6 điểm trong tháng trước, so với mức 50,8 điểm của tháng 3/2025. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 6/5, khi các biện pháp thuế quan làm gia tăng bất ổn cho triển vọng kinh tế.
Ngân hàng Barclays hôm 5/5 đã hạ dự báo giá dầu Brent năm 2025 xuống còn 70 USD/thùng (giảm 4 USD so với dự báo trước đó) và đưa ra mức dự báo cho năm 2026 là 62 USD/thùng, giữa bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang và OPEC+ thay đổi chiến lược sản xuất.