Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 gia tăng trên toàn thế giới cũng làm gia tăng quan ngại về triển vọng nhu cầu "vàng đen".
Khép phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 1,2% lên 43,75 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 0,6% lên 41,27 USD/thùng.
Theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), trong tuần trước, dự trữ dầu Mỹ giảm 10,6 triệu thùng xuống 526 triệu thùng, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2019. Nhập khẩu dầu ròng của Mỹ giảm 1 triệu thùng/ngày xuống 1,9 triệu thùng/ngày.
Dự trữ dầu Mỹ giảm nhiều khả năng là do tác động của việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng. Nhà phân tích cấp cao Phil Flynn tại Price Futures Group, Chicago, cho biết OPEC cắt giảm sản lượng và việc này được dự báo khiến dự trữ dầu tại Mỹ giảm hơn nữa.
Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khi toàn cầu ghi nhận số ca lây nhiễm mới ở mức cao kỷ lục, đặc biệt tại Mỹ, là một trong những yếu tố chi phối thị trường dầu trong phiên này.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 30/7 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có 17.170.421 ca mắc COVID-19 và 669.225 ca tử vong.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, với 4.567.168 ca bệnh và 153.701 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 66.391 ca mắc và 1.410 ca tử vong.
Một báo cáo liên bang công bố trên tờ The New York Times xác định dịch COVID-19 đang diễn biến đặc biệt nghiêm trọng tại 21 bang với mức độ Chính phủ ban bố "vùng đỏ". Trước diễn biến tình hình dịch bệnh nêu trên, chính quyền các bang và thành phố của Mỹ đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang để phòng chống dịch bệnh lây lan.