Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn được coi là động lực thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu toàn cầu trong khi các quốc gia khác "đóng băng" hoạt động kinh tế vì đại dịch.
Tuần qua, giá dầu thế giới biến động ngược chiều giữa bối cảnh chính sách đóng cửa trên khắp thế giới do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm gia tăng mối quan ngại về nhu cầu nhiên liệu.
Trong phiên đầu tuần (11/1) giá mặt hàng này đi xuống do lo ngại về sự gia tăng các ca mắc COVID-19 mới và chính sách hạn chế đi lại tại nhiều nước cùng với sự mạnh lên của đồng bạc xanh đang gây áp lực lên thị trường dầu mỏ.
Sang đến phiên 12/1, giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 11 tháng, khi kế hoạch hạn chế nguồn cung của Saudi Arabia giúp bù đắp những lo ngại rằng sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Tâm lý lạc quan không kéo dài khi giá "vàng đen" đảo chiều giảm trong phiên ngày 13/1 khi nhiều chính phủ tiếp tục đặt ra các hạn chế về đi lại dự kiến sẽ kìm hãm nhu cầu năng lượng trong nhiều tháng.
Giá dầu khởi sắc trở lại do đồng USD yếu đi trong phiên 14/1 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đưa ra lập trường ôn hòa khi cho rằng ngân hàng này sẽ không sớm tăng lãi suất. Yếu tố này khiến giá dầu, vốn được định giá bằng đồng bạc xanh, trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ ngoại tệ.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết ngày 15/1, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 144 ca nhiễm mới. Đây là số ca nhiễm trong ngày cao nhất ở nước này kể từ tháng 3/2020, trong đó có phần lớn các ca phát hiện ở tỉnh Hà Bắc hiện vốn đang áp đặt lệnh phong tỏa.
Giới chức Trung Quốc cho biết số ca nhiễm gia tăng dường như là do các ca không biểu hiện triệu chứng và phần lớn ở vùng nông thôn hay ngoại ô các thành phố. Trong khi đó, những người lao động ở các thành phố của Trung Quốc sẽ trở về quê ăn Tết Nguyên Đán vào tháng tới có thể làm gia tăng hơn nữa số ca nhiễm ở nước này.
Cụ thể, kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 2/2021 giảm 1,21 USD (2,3%) xuống 52,36 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 0,2% nhờ mức tăng mạnh trong phiên 12/1.
Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 3/2021 hạ 1,32 USD (hay 2,3%) và đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 55,1 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 1,6% so với thời điểm cuối tuần trước.
Michael Tran, chuyên gia phân tích tại RBC Capital Markets, nhận định rằng Trung Quốc, động cơ tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu, đang phải vật lộn với những đợt bùng phát COVID-19 mới và tình trạng phong tỏa ở các khu vực khác nhau trên cả nước.
Nhà phân tích thị trường tại CMC Markets UK, David Madden cho biết cuộc khủng hoảng sức khỏe ngày càng gia tăng tại Trung Quốc đã dẫn đến sự sụt giảm giá dầu bởi nước này là quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới.
Theo ông James Hatzigiannis, Giám đốc chiến lược thị trường tại Ploutus Capital Advisors, dầu thô đã chứng kiến đà tăng ổn định trong vài tuần đầu tiên của năm 2021, do đó không thể tránh một đợt điều chỉnh.
Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes (Mỹ) ngày 15/1 cũng công bố số liệu mới nhất cho thấy số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ trong tuần này tiếp tục tăng tuần thứ 8 liên tiếp, cho thấy sản lượng dầu của nước này dự kiến sẽ tăng lên.
Chuyên gia Hatzigiannis cũng chỉ ra một yếu tố khác, đó là nhu cầu của Trung Quốc có thể giảm vì nước này "tăng dự trữ một cách có chiến lược” vào năm 2020 khi giá dầu ở mức thấp lịch sử. Trong khi đó, một số dự báo chỉ ra rằng hoạt động du lịch của Mỹ sẽ không phục hồi trở lại cho đến quý III/2021. Ông dự kiến nhu cầu dầu tăng đáng kể vào cuối mùa Xuân khi tốc độ lây lan COVID-19 sẽ bắt đầu giảm đáng kể.
Ngoài ra, nhu cầu dầu mỏ cũng sẽ có một "cú hích nhẹ" từ gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD mà Tổng thống đắc cử Joe Biden đề xuất. Với sự kết hợp giữa cam kết quản lý nguồn cung của Saudi Arabia, và những dấu hiệu về "ánh sáng cuối đường hầm" của đại dịch COVID-19, chuyên gia Hatzigiannis cho rằng giá dầu WTI sẽ duy trì trên 50 USD/thùng trong dài hạn.