Giá hàng hóa có thể tăng mạnh
Giá dầu thế giới đang ở mức đỉnh kể từ tháng 10/2014 đến nay và điểm dễ nhận thấy trước tiên khi giá dầu thế giới tăng mạnh là những tác động lên giá xăng, dầu trong nước. Trong thời gian qua, giá xăng đã liên tục tăng, tổng cộng hơn 5.000 đồng/lít kể từ đầu năm. Giá xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành sản xuất trong nước sẽ làm tăng chi phí các hoạt động kinh doanh, của doanh nghiệp và đẩy giá cả hàng hóa tiêu dùng của người dân lên.
Theo nhận định của chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, hàng hóa, xăng dầu luôn là yếu tố đầu vào rất quan trọng của nhiều ngành sản xuất kinh doanh. Thời điểm hiện tại, giá nhiên liệu tăng nhanh và cao sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, đời sống người dân và kiểm soát lạm phát.
“Các doanh nghiệp đã hứng chịu “ bão COVID-19” khiến các nguồn lực kiệt quệ, nay giá nhiên liệu, cụ thể là xăng dầu liên tục tăng theo sẽ khiến họ càng thêm khó khăn hơn để hồi phục”, ông Phú nói.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), giá xăng dầu sẽ đẩy giá nhiều mặt hàng, dịch vụ lên cao, khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh. Nhiều nhóm ngành hàng sẽ bị tác động theo hướng trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể như: doanh nghiệp vận tải, đánh bắt bằng tàu biển, nông nghiệp sử dụng xăng dầu, sản xuất điện… sẽ là những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ở các nhóm này, tốc độ tăng giá hàng hóa, dịch vụ sẽ diễn ra nhanh hơn.
Giá nhiên liệu chiếm tới 40% trong cơ cấu chi phí vận tải, việc giá nhiên liệu trên thế giới và giá xăng dầu trong nước liên tục tăng trong năm sẽ tạo áp lực lên giá cước vận tải hàng hóa. Nhiều dự báo từ các chuyên gia cho hay, doanh nghiệp sẽ khó để giữ mức cước vận tải như cũ trước bối cảnh này.
Cũng theo ông Ngô Trí Long, giá nhiên liệu gián tiếp tác động đến giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát. Do đó, về cuối năm sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực làm giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao.
Đồng quan điểm trên, PGS. TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, khủng hoảng năng lượng, giá xăng dầu cùng các chi phí chống dịch… khiến doanh nghiệp đang gánh chịu là rất lớn. Do vậy, những chi phí này cũng sẽ được phản ánh vào giá sản phẩm và nhu cầu tăng lên cùng với giá hàng hóa sẽ tạo sức ép lên giá cả, lạm phát.
Ghìm đà tăng
Để có thể kìm đà tăng giá của mặt hàng xăng dầu, tiến tới kiểm soát lạm phát, các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng tốt bình ổn giá, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp là giải pháp quan trọng.
Theo ông Ngô Trí Long, ngoài các công cụ bình ổn giá thì cần xem xét giảm thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu để làm hạ nhiệt mặt hàng này. Cùng với đó, là các giải pháp hỗ trợ về tài chính, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào, sớm khôi phục sản xuất. Về phía doanh nghiệp nên sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả năng lượng nói chung và mặt hàng xăng dầu nói riêng. Đồng thời, có thể tính toán tìm mặt hàng thay thế nguồn năng lượng này.
Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cũng cho hay, với các chính sách tiền tệ, nhà nước có thể đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, nhưng cần có biện pháp kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10%, đi kèm các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải. Việc huy động nguồn lực xã hội cần thống nhất thực hiện thông qua công cụ lãi suất và các cơ chế đã có trên thị trường tài chính mà đối tượng điều hành duy nhất là tiền đồng Việt Nam...
Các chuyên gia cho rằng, việc sớm hỗ trợ để doanh nghiệp khôi phục sản xuất là điểm cần thiết, từ tài chính, thuế, phí cho đến nguồn lao động, tiêm vaccine, cần được thực hiện đồng thời và hiệu quả. Khi doanh nghiệp có sức cạnh tranh, các chi phí được tối ưu hơn sẽ giúp giá các mặt hàng dễ dàng bình ổn, kiểm soát lạm phát.
Trong thời gian qua, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu theo hướng linh hoạt, giúp cho mặt hàng xăng dầu trong nước tăng thấp hơn đà tăng của thế giới. Hiện nay, trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu, các loại thuế, phí chiếm khoảng 42% đối với mặt hàng xăng và tỷ lệ này đối với mặt hàng dầu từ 24-30%. Trong đó thuế bảo vệ môi trường đang được tính một cách cơ học theo giá trị tuyệt đối, đối với xăng sinh học là 3.800 đồng/lít.
Để góp phần "hạ nhiệt" giá xăng dầu trong nước, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính cân nhắc, xem xét việc giảm các loại thuế, phí như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường…