Khơi thông khâu giao nhận để giảm giá hàng hóa

Một số điểm nghẽn trong lưu thông hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh đang khiến giá cả thị trường tăng đáng kể.

Chính quyền TP Hồ Chí Minh đã và đang từng bước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thương mại để người dân có thể mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, song song với đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Tuy vậy, một số điểm nghẽn trong lưu thông hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh đang khiến giá cả thị trường tăng đáng kể.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Theo chị Hoàng Trâm ở quận Gò Vấp, hiện nay mặt hàng bánh bao mà chị gom đơn hàng mua chung cho khu dân cư phải tăng 3.000 đồng/sản phẩm, nếu trước đây là 12.000 đồng/sản phẩm thì vào thời điểm này là 15.000 đồng/sản phẩm. Đơn vị sản xuất, nhà cung cấp mặt hàng này không tăng giá thành sản phẩm, nhưng giá bị đẩy lên là do chi phí vận chuyển, giao nhận hàng hóa đến tay người tiêu dùng đang tăng đáng kể và duy trì ở mức cao so với thời điểm cuối tháng 5/2021.

"Dịch COVID-19, cùng với giãn cách xã hội đã tác động mạnh đến hoạt động thương mại trên thị trường TP Hồ Chí Minh trong nhiều tháng nay. Điển hình, chuỗi cung cấp hàng hóa bị đứt gãy, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đứt hàng cục bộ và hơn thế nữa là đội ngũ người giao hàng (shipper) bị hạn chế về số lượng nên giá cước phí tăng cao là đều tất yếu", chị Hoàng Trâm chia sẻ thêm.

Còn bà Tuyết Mai ở thành phố Thủ Đức cũng cho hay, gia đình đang tiếp tục phải tự vận động nhau chỉ mua sắm những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và lựa chọn điểm bán đa dạng mặt hàng để tiết kiệm chi phí giao nhận hàng hóa trong thời gian qua. Mặc dù vậy, trong đời sống hàng ngày có những mặt hàng thiết yếu chỉ bán ở chuỗi cửa hàng chuyên ngành, nên số tiền hàng tháng mà gia đình phải chi trả cho shipper cũng lên đến con số hàng triệu đồng.

Tính đến thời điểm này, hầu hết người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn chung tay đồng lòng với chính quyền TP Hồ Chí Minh thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19, nhưng họ cũng mong muốn sở, ngành thành phố có những giải pháp hiệu quả hơn trong khơi thông khâu giao nhận kéo giảm giá hàng hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế, xã hội gặp nhiều thách thức và thu nhập người dân bị giảm sút mà trong các giao dịch thương mại đang phải chịu nhiều chi phí như cước phí giao nhận hàng hóa, chi phí chuyển khoản khi thanh toán không tiền mặt....

Trước diễn biến thực tế trong chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, để tạo điều kiện thuận lợi cho xét nghiệm của đội ngũ người giao hàng (shipper) tiến tới quản lý bằng công nghệ, UBND TP Hồ Chí Minh vừa có chỉ đạo việc thực hiện xét nghiệm đối với nhân viên giao hàng có ứng dụng công nghệ.
 
Theo đó, từ ngày 22-23/9, doanh nghiệp quản lý shipper và shipper tiến hành tập huấn xét nghiệm, cập nhật thông tin xét nghiệm trên ứng dụng của doanh nghiệp hoặc ứng dụng do Sở Thông tin truyền thông TP Hồ Chí Minh hướng dẫn. Còn Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ cung cấp bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh theo nguyên tắc mẫu gộp 3 người, 3 ngày/lần.

Doanh nghiệp quản lý shipper nhận bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, trong thời gian này shipper có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị. Kể từ ngày 24-30/9, doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh để phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ký cam kết và chịu trách nhiệm về tổ chức và kết quả xét nghiệm, riêng trường hợp shipper không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ không được tham gia hoạt động.

Trước đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng giao nhận hàng hóa (dịch vụ shipper công nghệ) về giá dịch vụ giao nhận hàng trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, đề nghị doanh nghiệp áp dụng mức giá dịch vụ giao nhận hàng hóa ngang bằng với mức giá trong khung giờ bình thường trong thời gian chưa áp dụng giãn cách xã hội và không áp dụng mức giá giờ cao điểm.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh tuyệt đối không được lợi dụng việc hạn chế đi lại của người dân để nâng giá nhằm trục lợi trên cơ sở thể hiện tinh thần chia sẻ, đồng hành của lực lượng shipper cùng với người dân vượt qua khó khăn. Về phía Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ tích cực phối hợp với lực lượng liên ngành trên địa bàn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và shipper phục vụ người tiêu dùng.

Báo cáo nhanh của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho thấy, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hiện nay tương đối ổn định và có tăng hơn so với thời điểm cuối tháng 5/2021. Theo đó, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại những kênh bán lẻ lớn, bình ổn thị trường vẫn đảm bảo ở mức ổn định. Đồng thời, những nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh đang không ngừng nỗ lực triển khai đa kênh phân phối, bán lẻ phục vụ người dân.

Song song đó, ngành công thương TP Hồ Chí Minh đang triển khai phương án từng bước mở lại hoạt động thương mạian toàn, với Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch COVID-19 về hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố; trong đó, có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kênh bán lẻ hiện đại và cả mạng lưới chợ truyền thống. Cụ thể, tiếp theo sau điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, quận 8, TP Hồ Chí Minh, thì điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, huyện Hóc Môn cũng đã được mở để kết nối chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm phục vụ thị trường thành phố. 

Theo đại diện một số quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh, người tiêu dùng nên lựa chọn điểm bán lẻ chính thống để vừa ủng hộ những đơn vị kinh doanh bình ổn thị trường, vừa tránh trở thành "nạn nhân" của những đối tượng kinh doanh, buôn bán trục lợi và đẩy giá cả hàng hóa trong bối cảnh thị trường biến động nguồn cung hàng hóa. Đối với khâu giao nhận hàng hóa vẫn còn những rào cản nhất định, chính quyền địa phương sẽ không ngừng nỗ lực phối hợp liên ngành để quản lý hoạt động thương mại tự phát, bán hàng online trên mạng xã hội... nhưng mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ trước những rủi ro trong giao thương.

Ghi nhận thực tế trên thị trường TP Hồ Chí Minh, giá cả một số mặt hàng rau củ, quả tại những điểm bán lẻ chính thống như: bắp cải thảo có giá 30.000 đồng/kg, dưa leo 25.000 đồng/kg, bắp trái 35.000 đồng/combo 3 trái, tần ô 30.000 đồng/kg... Trong khi đó, nhiều đầu mối mua chung hay kinh doanh online trên group zalo, facbook... cũng bán buôn phổ biến những sản phẩm, gồm: bơ Booth có giá 70.000 đồng/combo 3kg; 125.000 đồng/combo 5kg (chanh không hạt, tắc, cóc thái non, đu đủ và chanh không hạt); 20.000 đồng/kg cho các loại rau củ, quả (cà rốt, đậu cove, su hào, cà chua, dưa leo...).
 
Ở ngành hàng thủy hải sản, một số sản phẩm như cá nục có giá bán 100.000 đồng/kg, cá ngừ 150.000-180.000 đồng/kg, cá chim 180.000 đồng/kg, mực ống 170.000-260.000 đồng/kg... Còn ở ngành hàng thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, gồm: gà thả vườn 130.000 đồng/kg, vịt xiêm 110.000 đồng/kg, trứng vịt 40.000 đồng/10 quả, sườn non lợn 160.000 - 180.000 đồng/kg, ba rọi lợn 150.000 đồng/kg, nạm bò 180.000 đồng/kg, bắp bò 220.000 đồng/kg...

Mỹ Phương  (TTXVN)
Thay đổi cách thức cung ứng, lưu thông hàng hóa phù hợp với thực tế
Thay đổi cách thức cung ứng, lưu thông hàng hóa phù hợp với thực tế

Tình hình cung ứng, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa hiện đang được đảm bảo với giá cả ổn định. Nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình cung ứng, lưu thông hàng hóa chưa từng có tiền lệ đã được các ngành, địa phương thay đổi phù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN