Giá dầu Brent tăng 46 xu Mỹ, hay 0,5%, lên 89,32 USD/thùng sau khi tăng hơn 4% trong phiên trước.
Giá dầu kỳ hạn của Mỹ tăng 30 xu Mỹ, hay 0,4%, lên 83,93 USD/thùng, sau khi tăng 5% trong phiên trước, mức tăng mạnh nhất trong theo ngày kể từ tháng Năm.
Giá dầu tăng mạnh trong phiên 3/10, do lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung. Các nhà đầu tư nhận định OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày tại cuộc họp trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2020 trong tuần này.
Bên cạnh đó, các nước thành viên cũng có thể cắt giảm tự nguyện, với mức cắt giảm sẽ là mạnh nhất kể từ khi bùng phát dịch.
OPEC+ đã tăng sản lượng trong năm nay sau khi cắt giảm kỷ lục trong năm 2020, do nhu cầu lao dốc trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, nhóm này đã không thực hiện được các mục tiêu tăng sản lượng như kế hoạch, như không đạt mục tiêu tăng 3,6 triệu thùng/ngày trong tháng Tám.
Trong khi đó, những lo ngại về kinh tế toàn cầu có thể hạn chế đà tăng của giá dầu, trong khi nhà đầu tư cũng chốt lời sau khi giá tăng mạnh phiên trước.
Giá dầu giảm tháng thứ tư liên tiếp khi các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới, đã ảnh hưởng đến nhu cầu, trong khi lãi suất tăng và đồng USD tăng giá mạnh gây sức ép lên các thị trường tài chính toàn cầu.
Các ngân hàng trung ương lớn đã bước vào đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, gây lo ngại về nguy cơ suy thoái của kinh tế toàn cầu.
Tại Mỹ, một khảo sát của Reuters cho thấy dự trữ dầu thô của nước này ước tính tăng khoảng 2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/9.