Khép phiên này, giá dầu Brent Biển bắc giao tháng 9/2022 tăng 17 xu Mỹ lên 106,51 USD/thùng. Hợp đồng dầu này đã tăng 5,1% phiên 18/7, mức tăng phần trăm lớn nhất kể từ ngày 12/4.
Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 8/2022 đã tăng 36 xu Mỹ lên 102,96 USD/thùng, sau khi tăng 5,1% phiên 18/7 và ghi nhận mức tăng phần trăm lớn nhất kể từ ngày 11/5.
Hợp đồng dầu WTI giao tháng 8/2022 hết hạn vào ngày 20/7, còn hợp đồng tháng 9/2022 được giao dịch ở mức 99,74 USD/thùng, tăng 32 xu Mỹ.
Giá dầu đã tăng đột biến giữa những lo ngại về nguồn cung trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nguồn cung dầu thô và nhiên liệu của Nga đã làm gián đoạn dòng chảy tới các nhà máy lọc dầu và người tiêu dùng. Thêm vào đó là những lo ngại ngày càng tăng rằng ngân hàng trung ương nỗ lực kiềm chế lạm phát gia tăng có thể gây ra suy thoái kinh tế, từ đó sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu trong tương lai.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho biết giá dầu có thể đã đạt mức “đỉnh”. Tuy nhiên, giá hàng hóa này không có khả năng giảm xuống trừ phi có bất ngờ lớn từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm Saudi Arabia trong tuần trước, với hy vọng đạt được một thỏa thuận về việc tăng sản lượng dầu để điều chỉnh giá nhiên liệu. Tuy nhiên, các quan chức Saudi Arabia không đưa ra đảm bảo rõ ràng về việc tăng sản lượng.
Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận Chiến lược hàng hóa tại ING, cho biết thị trường đã có thời gian để nghiên cứu chuyến thăm của Tổng thống Biden, với kết luận rằng không có khả năng OPEC và các đồng minh, bao gồm cả Nga, sẽ tăng sản lượng mạnh hơn kế hoạch trong ngắn hạn.
Giá dầu cũng được hỗ trợ nhờ đồng USD giảm nhẹ trong phiên 19/7, giao dịch quanh mức thấp nhất trong một tuần, khiến giá dầu, được giao dịch bằng đồng bạc xanh, rẻ hơn cho những người nắm giữ các đồng tiền khác.