Giá dầu thô Brent giảm 85 xu Mỹ (0,9%) xuống 95,30 USD/thùng vào lúc 14 giờ 50 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng giảm 1,01 USD (1,1%) xuống 88,99 USD/thùng.
Ngày 2/11, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lên 3,75% đến 4%, một động thái điều tiết chính sách lãi suất nhằm nỗ lực làm chậm đà tăng lạm phát. Đây là lần tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm thứ tư liên tiếp của Fed và lần tăng lãi suất thứ sáu kể từ tháng Ba.
Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho biết, đồng USD mạnh đang kéo giá dầu đi xuống. Việc Fed tăng lãi suất và triển vọng kinh tế toàn cầu u ám có thể tiếp tục gây áp lực lên thị trường dầu, ông Teng nói thêm.
Đồng USD mạnh làm giảm nhu cầu dầu mỏ bằng cách làm cho giá nhiên liệu này trở nên đắt hơn đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể gặp khó khăn để đạt được hạn ngạch sản lượng đã đề ra trước đó, các nhà phân tích của ANZ cho biết.
Sản lượng của OPEC giảm trong tháng 10/2022 và là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2022. OPEC và các đồng minh, bao gồm cả Nga, cũng quyết định cắt giảm sản lượng mục tiêu 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11/2022.
Thị trường cũng đang kỳ vọng nhu cầu dầu từ Trung Quốc sẽ tăng lên với hy vọng rằng nước này sẽ nới lỏng chính sách "Zero COVID".