Thay vào đó thị trường đang quan tâm đến những lo ngại về nhu cầu trong ngắn hạn do hoạt động bảo dưỡng nhà máy lọc dầu tại châu Á và Mỹ.
Khoảng 8 giờ 53 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 69 xu Mỹ (0,8%) xuống 85,70 USD/thùng sau khi tăng 2,2% trong phiên 10/2. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 68 xu Mỹ (0,9%) sau khi tăng 2,1% trong phiên trước đó.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đã tăng hơn 8% trong tuần trước nhờ tâm lý lạc quan rằng nhu cầu tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn hai và nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, phục hồi sau khi các biện pháp hạn chế COVID-19 được dỡ bỏ hồi tháng 12/2022.
Giá dầu đã tăng trong phiên 10/2 sau khi Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, cho biết sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô trong tháng 3/2023 khoảng 500.000 thùng/ngày, tương đương khoảng 5% sản lượng, nhằm đáp trả những biện pháp hạn chế đối với xuất khẩu dầu của nước này mà phương Tây áp đặt để phản ứng với cuộc xung đột tại Ukraine.
Stefano Grasso, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại 8VantEdge ở Singapore, cho biết việc cắt giảm 500.000 thùng dầu/ngày sẽ đưa Nga trở lại mức hạn ngạch của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, do Nga hiện đang xuất khẩu quá mức.
OPEC hồi tháng 10/2022 đã nhất trí cắt giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày, khoảng 2% nhu cầu thế giới.
Giá dầu có thể phục hồi nhanh về mức 100 USD/thùng vào cuối năm nay nhờ nhu cầu từ Trung Quốc và nguồn cung bị hạn chế do thiếu đầu tư.
Theo báo cáo của công ty phân tích Baker Hughes, tại Mỹ, nhà sản xuất lớn nhất thế giới, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tăng khoản 10 giàn lên 609 giàn trong tuần trước, mức tăng lớn nhất tính theo tuần kể từ tháng 6/2022.