Theo đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,4 USD (tương đương 1,4%) xuống 98,63 USD/thùng vào lúc 15 giờ 17 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn cũng mất 1 USD (1,1%) xuống 92,89 USD/thùng.
Sự trượt giá trên diễn ra sau khi giá dầu Brent hôm 1/8 đã có lúc xuống mức thấp nhất kể từ ngày 15/7 là 99,09 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ cũng có thời điểm chạm giảm xuống mức thấp nhất cùng phiên là 92,42 USD/thùng.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp của công ty môi giới đầu tư OANDA, cho biết giá “vàng đen” giảm trong phiên này sau khi nhiều dữ liệu về hoạt động của các nhà máy cho thấy thế giới đang hướng tới một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, sản lượng dầu dự kiến sẽ cao hơn sau một mùa kinh doanh rất tốt của các công ty dầu mỏ.
Những lo ngại về sự suy thoái đã tăng cao vào ngày 1/8 khi các cuộc khảo sát từ Mỹ, châu Âu và châu Á cho thấy các nhà máy chật vật tìm kiến động lực tăng trưởng trong tháng Bảy. Theo giới quan sát, nhu cầu thế giới suy yếu và các quy định hạn chế nghiêm ngặt để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc đã làm chậm quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, việc dầu giảm giá cũng diễn ra khi giới đầu tư chờ đợi kết quả của cuộc họp được tổ chức vào ngày 3/8 giữa Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối bao gồm Nga (còn được gọi là OPEC+) để ra quyết định về sản lượng của tháng Chín.
Hai trong số tám nguồn tin OPEC+ cho hay các nước sẽ thảo luận về một mức tăng sản lượng khiêm tốn cho tháng Chín. Những nguồn còn lại cho biết sản lượng của nhóm này có thể được giữ ổn định. Một phóng viên của hãng tin Fox Business cho biết Saudi Arabia nhiều khả năng sẽ thúc đẩy OPEC+ tăng sản lượng khai thác dầu tại cuộc họp.
Các nhà phân tích từ công ty môi giới đầu tư Haitong Futures cho biết đà tăng giá của dầu đang dần mờ nhạt. Một khi tình hình cung và cầu có dấu hiệu thêm phần xấu đi, giá dầu có khả năng dẫn đầu đà sụt giảm của các loại hàng hóa trên thị trường.