Tính đến 13 giờ 50 phút chiều nay (giờ Việt Nam) giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 54 xu Mỹ, tương đương 0,7%, đạt 75,73 USD/thùng. Dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 50 xu Mỹ, tương đương 0,7%, giao dịch ở mức 72,66 USD/thùng.
Tuy nhiên, các thị trường đánh giá tỷ lệ giảm giá dầu của phiên chiều nay là không đáng lo ngại, nhờ cả hai loại dầu nói trên đều đã tăng 2% trong phiên giao dịch trước đó.
Nhà phân tích năng lượng hàng đầu tại Ngân hàng DBS, Suvro Sarkar, cho biết giá dầu đã phục hồi phần nào trong các phiên giao dịch ngày thứ Sáu (5/5) và thứ Hai (8/5). Vì vậy, đây là lúc các nhà giao dịch tạm nghỉ” để quan sát kỹ hơn về các thông tin liên quan tới tình hình kinh tế Mỹ và thế giới.
Dự kiến số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 của Mỹ sẽ được công bố ngày 10/5. Trước đó, báo cáo số liệu việc làm tại thị trường nước này tương đối khả quan, góp phần làm giảm bớt lo ngại về suy thoái kinh tế, dẫn đến hiện tượng bán tháo dầu vào đầu tuần này.
Báo cáo khảo sát do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York thực hiện vào tháng trước cho thấy người tiêu dùng Mỹ kỳ vọng lạm phát sẽ giảm dần trong 12 tháng tới.
Nhà phân tích Leon Li của công ty tài chính CMC Markets nhận định nếu dữ liệu CPI tháng 4/2023 của Mỹ vẫn duy trì ở mức khoảng 5% theo dự báo của thị trường và nếu CPI cơ bản không giảm đáng kể, thì yếu tố này có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu tăng.
Hơn nữa, một yếu tố khác cũng góp phần hỗ trợ giá dầu là sự kiện thu hẹp quy mô sản xuất dầu tại Canada vào cuối tuần qua, khi tỉnh Alberta buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, để đối phó với các vụ cháy rừng. Alberta được mệnh danh là tỉnh năng lượng của Canada và là nơi sở hữu nguồn dầu khí lớn hàng đầu thế giới. Do ảnh hưởng của cháy rừng, gần 30.000 người dân đã phải di dời và nhiều nhà sản xuất năng lượng phải đóng cửa, làm giảm sản lượng ít nhất 280.000 thùng dầu, tương đương 3% tổng sản lượng khai thác dầu của Canada.