Cuối ngày thứ Sáu, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,08 USD, tương đương 1,5%, đóng cửa ở mức 74,49 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,27 USD, tương đương 1,8%, chạm ngưỡng 71,29 USD/thùng.
Chốt phiên tuần này, giá dầu Brent tăng tổng cộng 5%, đứng ở mức cao nhất kể từ ngày 22/11 và giá dầu WTI tăng 6%, đạt đỉnh kể từ ngày 7/11.
Nhận định về biến động giá dầu, các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates cho biết, giá dầu được thúc đẩy bởi kỳ vọng về các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn đối với Nga và Iran của phương Tây và cam kết hỗ trợ nền kinh tế mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc, trong bối cảnh bất ổn chính trị ở Trung Đông gia tăng và triển vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tuần tới.
Trong cả tuần này (từ ngày 9-13/12) giá dầu duy trì xu hướng tăng nhẹ do căng thẳng ở Trung Đông leo thang và thị trường kỳ vọng nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - cùng với khả năng nguồn cung ở châu Âu bị thắt chặt vào mùa Đông năm nay. Tại phiên giao dịch ngày 9/12, giá của hai loại dầu chính là dầu Brent và WTI đều tăng 1%. Tuy nhiên, sang tới ngày 10/12, bất ổn tại Syria khiến giá dầu giảm 0,4%.
Nhưng sang tới ngày 11/12, nhận được sự hỗ trợ từ thông tin Trung Quốc dự kiến áp dụng chính sách tiền tệ “nới lỏng hợp lý” vào năm 2025 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giá dầu đã tăng trở lại và giữ ổn định xu hướng tăng nhẹ trong hai ngày cuối tuần này.
Ngày 13/12, các đại sứ Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp đặt gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga, nhắm vào đội tàu chở dầu "bóng tối" của nước này. Mỹ cũng đang xem xét các động thái tương tự.
Liên quan tới xung đột tại Trung Đông, ba nước châu Âu là Anh, Pháp và Đức mới đây đã thông báo với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) rằng họ sẵn sàng khôi phục ngay lập tức tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran, để ngăn chặn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân.
Dữ liệu của Trung Quốc trong tuần này cho thấy nhập khẩu dầu thô nội địa tính theo năm đã tăng trong tháng 11/2024, lần đầu tiên sau 7 tháng. Dự kiến nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc sẽ tiếp tục ở mức cao vào đầu năm 2025, khi các nhà máy lọc dầu lựa chọn tăng nguồn cung lấy từ quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu Saudi Arabia do giá thấp hơn, trong khi các nhà máy lọc dầu độc lập sẽ tranh thủ sử dụng hạn ngạch được cấp phép của họ.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 lên 1,1 triệu thùng/ngày từ mức 990.000 thùng/ngày trong dự báo tháng 11/2024, với lý do Trung Quốc tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ nhu cầu từ thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, IEA cũng cảnh báo về khả năng dư thừa nguồn cung dầu trong năm tới, khi các quốc gia không thuộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, dự kiến sẽ tăng nguồn cung khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, chủ yếu được thúc đẩy bởi các quốc gia Argentina, Brazil, Canada, Guyana và Mỹ.
Các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp vào tuần tới. Động thái này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu.