Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,6%, lên 23.625,34 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1,2%, lên 2.852,50 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,9%, lên 8.943,72 điểm.
Số liệu vừa công bố của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, nước này ghi nhận có thêm gần 3 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua. Mặc dù số đơn xin trợ cấp thất nghiệp này đã giảm kể từ cuối tháng 3, thời điểm số đơn lên tới 7 triệu trong một tuần, nhưng mức trên vẫn cho thấy ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 đối với người lao động và nền kinh tế Mỹ. Như vậy, tổng số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 ở Mỹ đã lên tới 36,5 triệu người.
Cổ phiếu của nhiều ngân hàng đã có một phiên giao dịch tích cực, với cổ phiếu của các ngân hàng Bank of America, Citigroup và JPMorgan Chase đều tăng hơn 3%. Cổ phiếu của ngành ngân hàng giao dịch yếu trong mấy tuần gần đây khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến hành cắt giảm lãi suất và triển vọng kinh tế vĩ mô xấu đi.
Tính đến nay các thị trường chứng khoán thế giới đã tăng hơn 30% kể từ mức thấp ghi nhận trong tháng 3 sau khi các chính phủ công bố các biện pháp kích thích kinh tế chưa từng có tiền lệ cũng như sự can thiệp của các ngân hàng trung ương nhằm chống lại những tác động kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
Trong khi đó, giá dầu thế giới đi lên trong phiên 14/5 sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo dự trữ dầu toàn cầu sẽ giảm trong nửa cuối năm 2020, mặc dù thị trường vẫn lo ngại về nguy cơ bùng phát đợt lây nhiễm thứ hai dịch COVID-19 trong những tháng tới.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 6,7% lên 31,13 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 9% lên 27,56 USD/thùng. Thị trường dầu mỏ đã phục hồi so với phiên 13/5, sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell đưa ra cảnh báo về một giai đoạn tăng trưởng yếu kém kéo dài của nền kinh tế Mỹ.
Chuyên gia John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York, nhận định nhu cầu đối với dầu có "mối liên hệ khá chặt chẽ" với tỷ lệ người có việc làm, và trong bối cảnh hiện nay giá "vàng đen" vẫn khó có thể phục hồi trở lại.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 13/5 công bố số liệu cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm lần đầu tiên trong 15 tuần qua, với mức giảm 745.000 thùng xuống còn 531,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 8/5. Trước đó, IEA ngày 14/5 cho biết nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vẫn đang hướng tới mức giảm kỷ lục trong năm 2020, mặc dù cơ quan này đã hạ mức dự báo về giảm nhu cầu dầu của thế giới giữa lúc các nước nới lỏng lệnh phong tỏa.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) mới đây dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 9,07 triệu thùng/ngày, giảm sâu hơn so với mức dự báo giảm 6,85 triệu thùng/ngày được đưa ra trước đó.