Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/5, chỉ số Dow Jones giảm 2% xuống 23.247,97 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 1,8% xuống 2.820 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,6% xuống 8.863,17 điểm.
Các chỉ số chính của Phố Wall trượt dốc ngay sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell cảnh báo rằng triển vọng kinh tế Mỹ rất không chắc chắn và cho biết Washington có thể cần phải chi nhiều hơn số tiền gần 3.000 tỷ USD đã được Quốc hội phê chuẩn để giúp phục hồi nền kinh tế do tác động của cuộc khủng hoảng dịch COVID-19.
Ngoài đánh giá sự phục hồi kinh tế Mỹ có thể sẽ không diễn ra suôn sẻ, người đứng đầu FED cho rằng tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể tăng lên 20% hoặc cao hơn. Tốc độ phục hồi kinh tế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ an toàn của người dân Mỹ và tiến trình phục hồi sẽ diễn ra không đồng đều, không chỉ giữa các khu vực mà còn giữa các lĩnh vực của nền kinh tế.
Bởi vậy, việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa xã hội mà không giữ lại một số quy định về hạn chế tiếp xúc có thể tạo nên các đợt bùng phát mới. Tuy nhiên, nếu để nền kinh tế “đóng băng” trong 18 tháng tới đến khi vaccine phòng dịch COVID-19 có thể phát triển thành công cũng không phải là một lựa chọn chấp nhận được.
Trong khi đó, theo chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại Charles Schwab, ông Jeff Kleintop, sự chia rẽ hiện tại giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ dường như đã làm “mờ” triển vọng Quốc hội nước này sẽ bổ sung thêm các gói hỗ trợ tài chính.
Những người tham gia thị trường cho biết, họ cảm thấy “nhẹ nhõm” vì ông Powell tỏ ý rằng FED sẽ không đẩy lãi suất xuống dưới 0%, song một số người dường như bị bất ngờ bởi quan điểm kém lạc quan của ông đối với nền kinh tế.
Bên cạnh đó, một thông tin khác cũng tác động vào đà giảm của thị trường trong phiên này là quyết định của một hội đồng độc lập giám sát hàng tỷ USD tiền hưu trí liên bang về việc trì hoãn vô thời hạn các kế hoạch đầu tư vào một số công ty Trung Quốc.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đi xuống do lo ngại về làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần hai. Sự lạc quan lan tỏa trên các thị trường thời gian gần đây - được hỗ trợ bởi các gói kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD trên toàn thế giới và sự hỗ trợ của ngân hàng trung ương - đã bị chặn đứng bởi dữ liệu cho thấy sự bùng phát mới ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Đức.
Khép lại phiên này, chỉ số EURO STOXX 50 giảm 2,6%, xuống 2.810,55 điểm. Chỉ số FTSE 100 của Anh lùi 1,5%, xuống 5.904,05 điểm. Trong khi đó, chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX 30 của Đức lần lượt mất 2,9% và 2,6%, đóng cửa ở các mức 4.344,95 điểm và 10.542,66 điểm.
Trong khi đó, giá dầu thế giới giảm khoảng 2% trong phiên giao dịch ngày 13/5 mặc dù lần đầu tiên dự trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ giảm sau khi Chủ tịch FED cảnh báo về nhu cầu năng lượng do lo ngại nền kinh tế này sẽ mất nhiều tháng để phục hồi từ đại dịch COVID-19. Trong phiên giao dịch này giá dầu Brent giảm 79 xu Mỹ (2,6%) xuống 29,19 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 49 xu Mỹ (1,9%) xuống 25,29 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 745.000 thùng trong tuần trước, trong khi các nhà phân tích do hãng tin Reuters thăm dò ý kiến dự báo tăng 4,1 triệu thùng.
Liên quan đến vấn đề cung dầu, Saudi Arabia đã hối thúc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng hơn nữa nhằm khôi phục trạng thái cân bằng của thị trường dầu toàn cầu.
Trước đó, ngày 11/5, Saudi Arabia thông báo sẽ cắt giảm sản lượng thêm một triệu thùng/ngày trong tháng 6, tương đương 1% nguồn cung dầu toàn cầu, qua đó đưa tổng sản lượng khai thác của nước này xuống còn 7,5 triệu thùng/ngày.