Cụ thể, trong tháng vừa qua, chỉ số giá lương thực, thực phẩm trung bình toàn cầu ở mức 135,9 điểm. FAO cũng điều chỉnh chỉ số tháng 9 là 136,0, giảm nhẹ so với mức 136,3 đưa ra trước đó. Chỉ số của tháng 10 đã giảm mạnh so với mức kỷ lục hồi tháng 3 là 159,7 nhưng vẫn cao hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá lương thực, thực phẩm nói chung giảm nhưng chỉ số giá ngũ cốc tăng 3% trong khi giá lúa mì tăng 3,2%, chủ yếu do chịu ảnh hưởng những bất ổn trong quá trình xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine và Mỹ điều chỉnh giảm nguồn cung. Trong khi đó, giá gạo thế giới tăng 1%. Ngược lại, chỉ số giá dầu thực vật của FAO giảm 1,6% trong tháng 10 và giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá các sản phẩm sữa cũng giảm 17% trong khi thịt giảm 1,4% và đường giảm 0,6%.
Trong một báo cáo riêng rẽ dự báo nguồn cung và nhu cầu ngũ cốc thế giới, FAO đã giảm dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2022 xuống 2,764 tỷ tấn, so với mức 2,768 tỷ tấn dự báo trước đó. Mức sản lượng dự báo mới thấp hơn 1,8% so với sản lượng của năm 2021. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ ngũ cốc trên thế giới giai đoạn 2022/23 dự kiến sẽ ở mức 2,778 tỷ tấn. Tỷ lệ dự trữ/sử dụng là 29,4%, giảm so với mức 30,9% trong giai đoạn 2021/22 nhưng đây vẫn là mức cao so với các dữ liệu lịch sử. Trao đổi thương mại ngũ cốc toàn cầu giai đoạn 2022/23 được dự báo giảm 2,2% xuống còn 469 triệu tấn.